Cơ quan khí tượng đo đạc, ngày 29/7, mực nước cao nhất trên sông Tiền tại trạm Tân Châu là 2,87 m; trên sông Hậu tại Châu Đốc là 2,38 m. Đến ngày 30/7, mực nước cao nhất trên sông Tiền 2,97 m; trên sông Hậu là 2,47 m. 

Tiến sĩ Trần Bá Hoằng - Viện trưởng Khoa học thủy lợi miền Nam lý giải, sau sự cố vỡ đập ở Lào, nước lũ đổ về các hồ đập ở Campuchia. Một số hồ chứa ở khu vực này xả lũ, kết hợp với mưa khiến mực nước ở Đồng bằng sông Cửu Long dâng cao. "Tuần này lượng mưa ở Lào giảm so với tuần trước, tuy nhiên nước lũ vẫn tiếp tục tăng nhanh", ông Hoằng nhận định. 

Còn ông Lê Khương Bình - Giám đốc Đài khí tượng thủy văn Đồng Tháp cho biết, nước lũ đầu nguồn miền Tây lên nhanh, khoảng 7-10 cm mỗi ngày. Ngoài mưa lớn kết hợp và sự cố vỡ đập ở Lào, nước lên còn do triều cường dâng cao. "Trong vài ngày tới, lũ tiếp tục lên nhưng cường suất giảm lại, tăng khoảng 5-8 cm mỗi ngày", Giám đốc cơ quan khí tượng nói.

Dự báo, đến giữa tháng 8, đỉnh lũ đạt báo động 1 (trên sông Tiền tại Tân Châu đạt mức 3,5 m; sông Hậu tại Châu Đốc là 3 m). "Các vùng ngoài đê bao ở đầu nguồn tiếp tục bị lũ uy hiếp; chính quyền địa phương và người dân cần chủ động thu hoạch sớm lúa và hoa màu để giảm thiệt hại", ông Bình khuyến cáo.

Theo ông Võ Kim Thuần - Trưởng chi cục Phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn tỉnh Long An, năm nay cường suất lũ tăng nhanh hơn năm trước. "Mực nước lũ đầu tháng 8 của các huyện đầu nguồn có thể cao hơn 0,2-0,3 m so cùng kỳ", ông Thuần nhận định. 

Để đối phó với lũ, các tỉnh chịu ảnh hưởng đã chỉ đạo gia cố đê, bờ bao, bơm rút nước để cứu lúa, hoa màu, đồng thời xem xét hỗ trợ người dân bị ngập úng ở các vùng được nhà nước cho chủ trương xuống giống. 

Theo vnexpress