Ông Huỳnh Tất Đạt, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp thông tin, ngành nông nghiệp tỉnh phối hợp với Bộ môn Bảo vệ thực vật, Khoa Nông nghiệp - Đại học Cần Thơ đã thực hiện lấy mẫu đất trồng cây có múi tại huyện Lai Vung phân tích 04 lần về tác nhân gây bệnh trong đất, các tính chất vật lý, hóa học của đất và đã xác định nguyên nhân gây ra hiện tượng vàng lá, thối rễ, héo xanh trên cây có múi.

Theo đó, do người dân lạm dụng bón phân hóa học, không bón phân hữu cơ dẫn đến đất canh tác bị thoái hóa, đất bị nén dẽ, pH đất thấp, thoát nước kém nên rễ không ăn sâu, cây suy yếu tạo điều kiện chính cho nấm Fusarium, Phythopthora, tuyến trùng phát triển tấn công vào bộ rễ, làm cây chết.

Từ việc xác định nguyên nhân, tác nhân gây ra hiện tượng vàng lá, thối rễ, và héo xanh, Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ và địa phương đưa ra biện pháp khắc phục hiện tượng này là: xới nhẹ mặt đất, bón tro trấu kết hợp với trấu tươi đã qua xử lý Tricho – Fusarium, bón vôi hoặc phân Dolomite, Calmag để nâng pH đất, bổ sung phân hữu cơ ủ hoai, sử dụng các chế phẩm sinh học như: Tricho – Fusarium, Tricho – Phytophthora, Tricho – tuyến trùng...

Năm 2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho thực hiện 5 mô hình trình diễn các biện pháp khắc phục hiện tượng vàng lá, thối rễ, và héo xanh trên cây có múi ở 5 hộ trồng quýt hồng ở xã Tân Phước, Long Hậu và Tân Thành . Hiện nay cả 05 mô hình đều có biểu hiện phục hồi trở lại, các vườn đang giai đoạn xử lý ra hoa, cây phát triển tốt hơn năm 2019 và tốt hơn so với đối chứng theo tập quán canh tác của nông dân và không có chết thêm. Riêng toàn bộ diện tích đối chứng nông dân đã áp dụng theo giải pháp của mô hình.

Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho tiếp tục duy thực hiện 5 mô hình. Sau đó tiến hành tổng kết đánh giá, đưa ra quy trình quản lý hiện tượng vàng lá, thối rễ và héo xanh trên cây có múi.

Tỉnh thực hiện các cuộc tọa đàm, tập huấn hướng dẫn bà con nông dân áp dụng quy trình quản lý hiện tượng vàng lá, thối rễ và héo xanh trên cây có múi.  Hướng dẫn nông dân quy trình ủ phân hữu cơ truyền thống bằng nguồn nguyên liệu rơm mục tại địa phương để tự phục vụ cho mảnh vườn chính mình nhằm đảm bảo chất lượng phân hữu cơ, giảm giá thành sản xuất.

Ngoài ra, tăng cường kiểm tra đánh giá các loại phân bón hữu cơ đang lưu thông trên thị trường để khuyến cáo bà con nông dân sử dụng. Trung tâm ứng dụng công nghệ cao triển khai công tác nhân giống cây quýt Hồng sạch bệnh; phối hợp UBND huyện Lai Vung triển khai Đề án “Bảo tồn, khôi phục cây quýt Hồng huyện Lai Vung” .

Nguyễn Văn Trí

TTXVN