Huyện Ia Pa là địa phương có diện tích mía bị nhiễm bệnh trắng lá nhiều nhất với hơn 1.213 ha, chiếm gần 60% diện tích mía bị bệnh toàn tỉnh. Trước tình hình này, UBND huyện đã chủ động phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai tổ chức nhiều cuộc họp với các phòng, ban chuyên môn và các xã để xử lý bệnh trắng lá mía ngay từ khi mới bùng phát; tổ chức tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu về tác hại của bệnh trắng lá mía và các biện pháp phòng trừ. Tuy nhiên, việc xử lý diện tích mía bị nhiễm bệnh vẫn chưa triệt để. Đến nay, người dân trên địa bàn huyện đã tiến hành cày phá bỏ hơn 532 ha bị nhiễm bệnh nặng; diện tích bị nhiễm còn lại trên đồng là 680,9 ha (nhiễm nhẹ 532 ha, trung bình 44,4 ha và nặng 104,5 ha).

Ông Huỳnh Vĩnh Hương- Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Pa, cho biết: Người dân trên địa bàn huyện sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp với các loại cây trồng là mía, mì (sắn) và lúa. Bệnh trắng lá mía xuất hiện trên địa bàn huyện cách đây 4- 5 năm, diện tích nhiễm chỉ vài héc ta nhưng sau đó bùng phát mạnh qua các năm. Diện tích mía bị nhiễm bệnh trắng lá niên vụ 2018- 2019 tăng 64,8% so với niên vụ trước. “Thời gian qua, ngoài các biện pháp tuyên truyền, chúng tôi cũng đã triển khai hết các biện pháp mà cơ quan chuyên môn hướng dẫn nhưng kết quả đạt được chưa cao bởi ý thức người dân còn hạn chế, việc kiểm soát nguồn giống chưa tốt. Theo tôi, để quản lý tốt nguồn giống, cấp trên cần có hướng dẫn, có cơ chế xử lý quyết liệt trong quản lý giống. Đặc biệt, cần có chế tài xử lý đối với những hộ không chấp hành tiêu hủy những diện tích bị nhiễm bệnh để tránh lây lan nguồn bệnh” - ông Hương đề xuất.

 Theo báo cáo mới nhất của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 2.034 ha mía bị bệnh trắng lá, trong đó, huyện Ia Pa hơn 1.213 ha, Phú Thiện 476 ha, Krông Pa hơn 104 ha, Đak Pơ 97 ha, Kông Chro 73,8 ha, thị xã Ayun Pa hơn 54 ha và rải rác ở huyện Kbang, thị xã An Khê. Hiện diện tích đã được cày bỏ hoàn toàn là 607,5 ha (huyện Ia Pa hơn 532 ha, Đak Pơ 20 ha, Phú Thiện 25 ha, Krông Pa 27,5 ha, Kông Chro 2,6 ha); diện tích được phòng trừ bằng cách cuốc bỏ một phần là gần 932 ha nhưng chưa sạch bệnh và còn 494,9 ha chưa được xử lý. Tuy nhiên, sau khi xử lý đã có 564,7 ha mía nhiễm bệnh trở lại. Do đó, hiện còn hơn 1.059 ha bị nhiễm bệnh (nhiễm nhẹ 765,5 ha, trung bình 122,2 ha và nặng 171,9 ha). Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện, cho hay: Diện tích mía bị nhiễm bệnh trắng lá trên địa bàn huyện khá lớn nhưng hầu hết là bị nhiễm nhẹ, người dân đã triển khai biện pháp cuốc bỏ cục bộ để tiêu hủy. Đến thời điểm này, tình hình dịch bệnh cơ bản đã được khống chế. Người dân đã chuyển đổi một số diện tích sang trồng cây khác. Đồng thời, huyện cũng đã rà soát những diện tích mía không hiệu quả, diện tích nhỏ lẻ để hướng dẫn người dân chuyển đổi sang cây trồng khác hiệu quả hơn.

Bệnh trắng lá mía do dịch khuẩn bào Phytoplasma gây ra, đây là trung gian giữa vi khuẩn và virus nên rất khó phòng trừ. Bệnh phát sinh, phát triển mạnh trong điều kiện thời tiết nóng ẩm, đầu mùa vụ. Ông Hà Ngọc Uyển - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, cho biết: “Thời gian qua, UBND tỉnh, các sở, ngành và địa phương đã ban hành rất nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và tuyên truyền đến người dân trong công tác phòng trừ dịch bệnh. Tuy nhiên, bệnh trắng lá mía không có thuốc đặc trị và Việt Nam hiện chưa có giống mía nào kháng được bệnh này. Do đó, chủ yếu sử dụng các biện pháp thủ công như cày, cuốc để tiêu hủy nguồn bệnh, sử dụng giống chưa bị nhiễm bệnh. Ngoài ra, sự lây lan nhanh của dịch bệnh trong thời gian qua là do ý thức của người dân còn trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước và các nhà máy đường trong việc tiêu hủy nguồn bệnh. Người dân chưa thực sự tự giác tiêu hủy nguồn bệnh trên đồng ruộng”.

 Để công tác phòng trừ dịch bệnh trắng lá mía đạt hiệu quả, theo ông Uyển, UBND các huyện, thị xã, các nhà máy đường cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân về tác hại của bệnh và hướng dẫn các biện pháp phòng trừ; tổ chức rà soát, thống kê toàn bộ diện tích bị nhiễm bệnh và đánh giá cụ thể mức độ nhiễm bệnh để có hướng xử lý phù hợp. Đối với những diện tích bị nhiễm bệnh dưới 30% thì tiến hành cuốc bỏ và tiêu hủy những bụi nhiễm bệnh. Với những diện tích bị nhiễm bệnh trên 30% cần xác định nếu không có khả năng cho thu hoạch hoặc hiệu quả thấp thì tiến hành cày bỏ tiêu hủy hoàn toàn; còn có khả năng cho thu hoạch thì cuốc bỏ cục bộ, tiếp tục chăm sóc nhưng sau khi thu hoạch phải tiến hành cày tiêu hủy và luân canh cây trồng khác ít nhất 1 năm mới trồng lại mía. Đồng thời, người dân phải triển khai các biện pháp xử lý hom giống, vệ sinh đồng ruộng sau khi thu hoạch và đặc biệt phải sử dụng giống mía sạch bệnh.

Theo baogialai.com.vn