Tính đến thời điểm hiện tại, huyện Mèo Vạc có trên 86.440 con gia súc; trong đó, trên 4.200 con trâu, gần 30.000 con bò, trên 32.400 con lợn, dê gần 20 nghìn con và đàn gia cầm trên 390 nghìn con... Nhằm chủ động phòng, chống đói, rét, đảm bảo đàn gia súc phát triển ổn định, UBND huyện đã sớm chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Khuyến nông và các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch cụ thể, hướng dẫn người dân che chắn chuồng trại, dự trữ thức ăn; thành lập Tổ chỉ đạo phòng, chống đói, rét và dịch bệnh gia súc; phân công thành viên, các ban, ngành, đoàn thể tăng cường kiểm tra, hướng dẫn nhân dân triển khai các biện pháp phòng, chống đói rét cho đàn gia súc với phương châm: Các hộ chăn nuôi gia súc đều phải có chuồng trại nuôi nhốt, được che chắn, đảm bảo giữ ấm trong mùa Đông, thực hiện chế biến, dự trữ thức ăn… Bên cạnh đó, chỉ đạo các xã, thị trấn, tuyên truyền các hộ chăn nuôi, chuẩn bị vật liệu giữ ấm cho gia súc; tận dụng vật liệu có sẵn tại địa phương như thân cây ngô, bao tải để che chắn chuồng trại; khi nhiệt độ xuống thấp dưới 100C, không thả rông và không chăn thả gia súc vào những ngày rét đậm, rét hại. Đồng thời, tăng cường chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng trâu, bò già yếu, gia súc non, nhằm tăng sức đề kháng của cơ thể. Các cơ quan chức năng của huyện cũng tuyên truyền cho người dân cách chăm sóc diện tích cỏ, chế biến thức ăn gia súc theo phương pháp ủ chua, phơi khô; thực hiện tiêu độc, khử trùng chuồng trại, tránh phát sinh dịch bệnh…

Là một trong những xã làm tốt công tác phòng, chống rét cho đàn gia súc hàng năm; vụ Đông – xuân năm 2018 – 2019, xã Sủng Trà đã chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể và cán bộ phụ trách thôn tuyên truyền, vận động đến từng hộ dân biết và nắm chắc các biện pháp phòng, chống rét cho gia súc. Huy động đoàn viên, hội viên đóng góp ngày công giúp đỡ các hộ gia đình che chắn, làm mới chuồng trại và dự trữ thức ăn. Các thôn thường xuyên hướng dẫn các hộ chăn nuôi tăng cường chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng gia súc già yếu. Cho gia súc ăn đủ lượng cỏ các loại như cỏ xanh, cỏ ủ hoặc rơm khô và thức ăn tinh như bột ngô, sắn, cám gạo; hàng ngày cho bò uống nước ấm pha muối từ 30 – 40 lít/con. Chuẩn bị vật liệu giữ ấm cho bò như làm áo khoác, chú ý những con gia súc nhỏ và già yếu. Tận dụng những vật liệu sẵn có của địa phương và gia đình như thân cây ngô, bao tải dứa, tấm bạt để che chắn chuồng trại.

Người dân xã Lũng Pù chuẩn bị cỏ để ủ chua dự trữ thức ăn cho đàn gia súc trong mùa Đông

Với đặc điểm là xã núi đá, khí hậu khắc nghiệt, về mùa Đông rét đậm, rét hại kéo dài, thường xảy ra thiếu thức ăn. Để ngăn chặn thiệt hại một cách có hiệu quả thì việc chuẩn bị kỹ công tác phòng, chống đói rét cho gia súc hàng năm luôn được cấp ủy, chính quyền xã Lũng Pù quan tâm, chú trọng. Theo đó, công tác tuyên truyền vận động người dân được đặt lên hàng đầu, thông qua các hình thức như tuyên truyền tại các ngày chợ phiên, các buổi họp thôn, xóm. Bên cạnh đó, thực hiện tốt việc trồng cỏ làm thức ăn trong vụ Đông và dự trữ thức ăn tinh, hướng dẫn người dân kỹ thuật ủ chua cỏ, đảm bảo mỗi con gia súc có từ 1 – 1,5 tấn thức ăn để đảm bảo liên tục tại chuồng trại trong mùa Đông. Hỗ trợ bạt cho hộ nghèo che chắn chuồng trại, giữ ấm cho gia súc. Cán bộ phụ trách xóm luôn sâu sát kiểm tra từng hộ gia đình việc chuẩn bị lượng thức ăn dự trữ, việc che chắn chuồng trại; đồng thời cho các hộ trong thôn mình phụ trách ký cam kết thực hiện tốt việc phòng, chống đói rét cho gia súc, đưa ra hình thức xử lý đối với những hộ không thực hiện tốt công tác che chắn chuồng trại và dự trữ thức ăn. Trong những ngày rét đậm đốt lửa dưới gầm chuồng để tăng nhiệt độ. Thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin, định kỳ phun thuốc sát trùng đi liền với vệ sinh chuồng trại đảm bảo khô ráo. Thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe của gia súc, nếu có dấu hiệu mắc bệnh phải báo ngay với cấp ủy chính quyền để có biện pháp xử lý.

Với việc chủ động phòng, chống rét và dịch bệnh trong mùa Đông cho đàn gia súc không chỉ góp phần bảo vệ tài sản lớn của người dân mà còn đóng vai trò quan trọng nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển chăn nuôi gia súc ở huyện Mèo Vạc một cách hiệu quả và bền vững.

Theo báo Hà Giang