Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành gieo cấy lúa xuân với diện tích trên 59.570 ha. Vào trước đợt rét, bà con nông dân vừa gấp rút phủ kín các diện tích theo khung kế hoạch, vừa tiến hành giặm tỉa các trà lúa đã đủ 5 - 7 lá sau gieo cấy; một số trà đã được bón thúc, bắt đầu bước vào kỳ đẻ nhánh.

Theo đánh giá cơ quan chuyên môn, đợt rét đậm, rét hại vừa qua với nền nhiệt giảm sâu đột ngột chưa từng gặp kể từ mùa đầu mùa đông năm 2021 đến nay, nhiều khu vực nhiệt độ giảm xuống 9-10 độ C. Điều đáng nói, đợt rét này lại xuất hiện vào thời điểm các trà lúa xuân bắt đầu bước vào thời kỳ sinh trưởng đầu tiên, một số diện tích lạc vừa 3-4 lá, một số vừa gieo trỉa nên đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến sinh trưởng phát triển của cây trồng.

 
Các địa phương tăng cường kiểm tra đồng ruộng

 

Chị Nguyễn Thị Hoa, thôn Đồng Tiến, xã Kỳ Khang (huyện Kỳ Anh, Hà Tinh) cho hay: “Nhà tôi làm 6 sào ruộng, đã giặm tỉa xong. Đợt rét vừa rồi tôi đã lấy nước đủ vào chân ruộng để giữ ấm cho lúa nhưng do rét quá nên chưa bón thúc được. Vì vậy, lúa còi cọc hẳn và đã ngã màu vàng. Hiện nay, tranh thủ ấm lên tôi phải bón thúc luôn để lúa kịp lấy sức phát triển”.

Không chỉ thiếu dinh dưỡng mà nhiều diện tích lúa vừa giặm tỉa xong bộ rể còn yếu lại gặp rét nên cây lúa phát triển rất kém. Bên cạnh đó, các đối tượng dịch hại như: đạo ôn lá, ốc bươu vàng, bọ trĩ, chuột,… cũng đã xuất hiện gây hại.

 
Bệnh đạo ôn lá đã xuất hiện trên lúa xuân một số địa phương

 

Theo kết quả điều tra của Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh, trên các trà lúa đã xuất hiện một số đối tượng dịch hại quen thuộc như: bệnh đạo ôn lá, xuất hiện rải rác trên giống N24 tại xã Xuân Phổ (Nghi Xuân), XT 28, BTE-1 tại xã Đỉnh Bàn, Thạch Long (Thạch Hà)… với tỷ lệ trung bình 3-5%, nơi cao 7-15%; ốc bươu vàng phát sinh gây hại trên chân ruộng sâu trũng với diện tích nhiễm 52 ha; chuột gây hại vùng gần gò đồi, ven làng trên toàn tỉnh với diện tích nhiễm 80 ha, phân bố trên toàn tỉnh; tuyến trùng rễ gây hại chân ruộng chua phèn, diện tích nhiễm 75 ha.

Không chỉ trên cây lúa, mà đối với cây lạc xuân, nhiều diện tích cũng đã bị các loại sâu bệnh gây hại sau đợt rét vừa qua.

 
Bệnh héo rũ gốc mốc trắng, mốc đen xuất hiện nhiều trên lạc xuân

 

Ra  thăm đồng sau những ngày giá rét, chị Nguyễn Thị Thoan - thôn Bắc văn, xã Thạch Văn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) vừa phải làm cỏ vừa phải thu gom số cây lạc bị chết ra khỏi ruộng để tiêu hủy, chị Thoan chia sẻ: “Gia đình tôi làm được 3 sào lạc và gieo trỉa xong trước tết. Trước đợt rét, lạc nẩy mầm phát triển đều và đẹp lắm, không ngờ sau đợt rét này, số cây bị chết nhiều như thế này. Tôi đang lo sẽ không kịp thời gian để giặm trỉa khi mùa vụ đã gần kết thúc.”

Qua kiểm tra đồng ruộng, kỹ sư Trịnh Thị Giang – Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: sau thời gian mưa rét dài ngày làm cây lạc phát triển kém, tạo môi trường thuận lợi cho bệnh héo rũ gốc mốc trắng, mốc đen phát sinh gây hại và khi gặp trời có nắng cây lạc nhanh chóng bị héo và chết.

“Hiện nay, số diện tích lạc bị các loại bệnh này chủ yếu tập trung tại vùng đất cát các xã bãi ngang như: huyện Thạch Hà, Lộc Hà, với  tỷ lệ trung bình 0,5-1%, nơi cao 2-3%, cục bộ 5-10%. Bên cạnh số diện tích lạc xuân bị chết do bệnh hại thì còn có một số nơi lạc gieo trỉa sau tết nảy mầm không đều, cây còi cọc, vàng lá”. Kỹ sư Trịnh Thị Giang cho biết thêm.

Ngành chuyên môn cũng khuyến cáo: Từ nay đến ngày 20/3 là thời gian phát sinh gây hại mạnh nhất của bệnh đạo ôn lá, trùng vào giai đoạn sinh trưởng thân - lá của lúa xuân. Do vậy, các địa phương cần động viên bà con nông dân tiếp tục theo dõi, xử lý cắt bỏ các diện tích đã nhiễm; cùng với đó, tranh thủ thời tiết hửng, tiến hành giặm tỉa, đảm bảo mật độ để giảm nguy cơ phát sinh và lây lan của bệnh; ngừng bón đạm ở những ruộng có biểu hiện thừa đạm. đồng thời bà con cần duy trì mực nước trong chân ruộng 3-5cm để tạo điều kiện cho cây lúa sinh trưởng phát triển tốt.

Riêng đối với cây lạc, bệnh héo rũ, bệnh lỡ cổ rễ, đốm lá và các đối tượng sâu xanh, sâu xám,… sẽ phát sinh gây hại trong thời gian tới. Do vậy, bà con nông dân cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phát hiện kịp thời diễn biến của sâu bệnh, xác định tuổi sâu, mật độ, mức độ gây hại để có biện pháp phun phòng hiệu quả.

Nguyễn Hoàn

 Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh