Ngay sau khi nhận được thông tin tôm chết, Chi cục Thú y Hà Tĩnh đã trích từ nguồn Quỹ dự trữ Quốc gia 550 kg thuốc chlorine để xử lý các ao tôm bị bệnh. Đồng thời, cử cán bộ chuyên môn về các vùng nuôi phối hợp với chính quyền địa phương hướng dẫn chỉ đạo giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh; đốc thúc các địa phương khẩn trương xử lý tiêu diệt mầm bệnh ở các vùng dịch không để lây lan ra diện rộng. 

Chi cục Thú y cũng hướng dẫn các hộ nuôi không xả nước tại các ao hồ nuôi tôm bị bệnh chưa qua xử lý ra môi trường, thu gom xác tôm bị bệnh tiêu hủy đúng quy định; kiểm soát chặt chẽ việc thu hoạch vận chuyển đối với các ao nuôi tôm đã lớn trong vùng dịch; sử dụng hóa chất Chlorine xử lý dịch bệnh đúng quy trình. 

Theo bà Đặng Thị Thu Hoàn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Hà Tĩnh, nguyên nhân khiến cho hàng vạn con tôm giống bị chết là do các vật chủ trung gian như cua, còng… mang mầm bệnh vào các đầm nuôi tôm nhưng không kiểm soát được. 

Trước đó, ngày 25/4/2015, tại các xã Kỳ Trinh, Kỳ Thư, Kỳ Thọ (huyện Kỳ Anh), bệnh đốm trắng cũng đã làm hàng vạn con tôm giống nuôi trên diện tích 7 ha (nuôi theo hình thức quảng cảnh) của bà con nơi đây bị chết./. 

Theo TTXVN