Bệnh dịch tả lợn Châu Phi tuy không lây sang người nhưng rất nguy hiểm vì virus gây chết lợn hàng loạt lại không có thuốc phòng, trị. Do đó nếu không quyết liệt ngăn chặn sẽ ảnh hưởng lớn đến người chăn nuôi và người tiêu dùng.

Trước thực trạng này ngay từ đầu tháng 3, huyện Nam Sách đã chỉ đạo các xã, thị trấn, các cơ quan chuyên môn phải khẩn trương quyết liệt thực hiện các biện pháp để phòng chống bệnh hiệu quả nhằm giảm thiểu rủi ro xảy ra.

Ngày 05/3/2019 UBND huyện đã tổ chức hội nghị hướng dẫn phòng chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi cho trên 200 đại biểu là cán bộ thú y, chủ các trang trại và các hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn huyện. Với nội dung khẩn thiết tập trung triển khai ngăn chặn bệnh dịch tả lợn Châu Phi; Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với loại bệnh này. Các chủ hộ chăn nuôi được các cán bộ chuyên ngành công bố diễn biến, sự lây lan của bệnh trên cả nước và địa bàn tỉnh nhà, cách nhận biết bệnh qua triệu chứng lâm sàng, bệnh tích, cách xử lý nếu có ổ dịch xuất hiện để tránh lây lan rộng, công tác hỗ trợ của Nhà nước khi bệnh dịch xảy ra…

Phát biểu và chỉ đạo hội nghị, đồng chí Nguyễn Tiến Khắc - phó chủ tịch UBND huyện phụ trách nông nghiệp cho rằng: Diễn biến bệnh dịch tả lợn Châu Phi hiện nay là rất phức tạp, có xu hướng lan rộng ra nhiều địa phương. Mặc dù tại thời điểm này huyện Nam Sách chưa có dịch xảy ra, tuy nhiên, các cấp, các ngành và người dân trong huyện không được chủ quan, lơ là, phải khẩn trương triển khai ngay các biện pháp phòng, chống dịch. Từ chính quyền huyện đến các xã, thị trấn đều coi đây là việc làm cấp thiết nhất hiện nay trong lĩnh vực chăn nuôi gia súc.

Ngày 07/3/2019 UBND huyện đã ra Quyết định về việc thành lập Đội ứng phó nhanh trong công tác phòng chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn huyện nhằm triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống bệnh như: giám sát, phát hiện, xử lý ca bệnh, hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng chống, bao vây ổ dịch bệnh, tham gia lấy mẫu, tiêu hủy khi có ổ dịch…

Ngày 10/3/2019 UBND huyện đã ra Quyết định tiếp theo về việc thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn huyện. Trong đó các văn bản cần thiết đã được ban hành như: Phân công nhiệm vụ cho các thành viên BCĐ; Tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống bệnh; Hướng dẫn người chăn nuôi chủ động phòng chống bệnh này. Sau khi ra các quyết định, văn bản hướng dẫn, các đồng chí lãnh đạo huyện thường xuyên xuống cơ sở để chỉ đạo, theo dõi, giám sát cấp chính quyền xã, thị trấn nhằm thực hiện một cách tốt nhất từ chính quyền huyện xuống cơ sở về nhiệm vụ quan trọng này.  

Tại cơ sở các xã, thị trấn cũng đều thực hiện thành lập Ban chỉ đạo phòng chống bệnh, xây dựng kế hoạch ứng phó bệnh dịch tả lợn châu Phi, thành lập đội ứng phó nhanh trong công tác phòng, chống bệnh. Trong đó chú trọng duy trì và củng cố hệ thống thú y cơ sở nhằm kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh trên đàn lợn, giám sát phát hiện sớm đàn lợn ốm, chết bất thường không rõ nguyên nhân hoặc có biểu hiện triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, hướng dẫn người chăn nuôi phòng bệnh tốt bằng vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại, chăm sóc vật nuôi tốt…

Đối với các cơ quan chuyên môn của huyện đã rất tích cực tham mưu cho UBND huyện ban hành các quyết định, văn bản hướng dẫn kịp thời, phối hợp xây dựng phương án trực phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi 24/24 và phân công các thành viên đội phản ứng nhanh phòng, chống dịch: Hàng ngày tới các xã, thị trấn để nắm bắt tình hình báo cáo cấp trên và chỉ đạo cán bộ cơ sở, người chăn nuôi thực hiện tốt các biện pháp kĩ thuật, thực hiện tốt “ nguyên tắc 5 không” trong phòng chống dịch…

Đài phát thanh và truyền thanh từ huyện xuống các xã, thị trấn trong suốt thời gian qua đã tăng cường thời lượng đưa tin, khuyến cáo, tuyên truyền nâng cao nhận thức về việc phòng chống bệnh cũng như tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ tác hại của việc buôn bán lợn và các sản phẩm của lợn không có nguồn gốc rõ ràng, khuyến cáo người dân không sử dụng sản phẩm của lợn nhập lậu, không rõ nguồn gốc…

Đối với người chăn nuôi: Xác định đây là một loại bệnh vô cùng nguy hiểm, ảnh hướng lớn đến kinh tế hộ nếu bệnh dịch xảy ra, cho nên, hầu hết các chủ hộ chăn nuôi đều tham gia đông đủ các buổi tập huấn kĩ thuật, hội nghị triển khai công tác phòng, chống bệnh của các cơ quan chuyên môn để họ áp dụng và làm theo.

Trao đổi với một chủ trang trại chăn nuôi lớn của xã An Lâm, ông Phạm Văn Mạnh nuôi gần 2000 đầu lợn mỗi năm cho biết: Khi nghe thông tin bệnh dịch tả lợn châu Phi đã lan rộng nhanh chóng ra nhiều tỉnh thành trong đó có tỉnh nhà thì trang trại của ông đã rất chủ động ứng phó bằng nhiều biện pháp tích cực như: tăng cường vệ sinh tiêu độc, phun thuốc sát trùng chuồng trại bằng các hóa chất, rắc vôi bột quanh chuồng nuôi, làm hố sát trùng tại cửa ra vào chuồng, chăm sóc đàn lợn chu đáo, phòng bệnh cho lợn bằng vắc-xin, bổ sung thuốc bổ, vitamin để tăng sức đề kháng cho lợn… Ngoài ra, ông cũng rất chú trọng phòng bệnh từ xa như cấm trại đối với tất cả cán bộ, công nhân của trại, không cho thương lái, người bán cám, bán thuốc thú y vào chuồng khi chưa thực hiện sát trùng… Nguyên tắc “5 không”  được ông ghi nhớ và áp dụng một cách chặt chẽ.

Rõ ràng công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi tại địa bàn huyện Nam Sách, Hải Dương đã và đang được triển khai một cách quyết liệt và chặt chẽ từ chính quyền địa phương đến người chăn nuôi nên tính đến thời điểm hiện tại trên địa bàn toàn huyện vẫn chưa có ổ dịch xảy ra cần phải tiêu hủy.

Trần Thị Liên

Trung tâm dịch vụ nông nghiệp Nam Sách, Hải Dương