Tính đến ngày 25/4/2020 toàn tỉnh Hải Dương đã có 677,7 ha lúa nhiễm bệnh đạo ôn lá, trong đó 100,8 ha bị nhiễm nặng và đã có 5,1 ha bị lụi. Đây sẽ là nguồn bệnh dễ lây lan, gây hại trên cổ bông, gié lúa trong thời gian tới nếu thời tiết tiếp tục âm u, nhiệt độ thấp kéo dài.

Để hạn chế thấp nhất những thiệt hại do bệnh đạo ôn cổ bông gây ra đối với lúa Xuân 2020, đồng thời tránh tình trạng nông dân phun thuốc tràn lan, không đúng thời điểm gây lãng phí và ô nhiễm môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương đã ban hành Công văn 574/SNN-BVTV ngày 27/4/2020 về việc tăng cường theo dõi, chỉ đạo phòng bệnh đạo ôn cổ bông trên lúa, cụ thể như sau:

1. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo cơ quan chuyên môn cấp huyện và UBND các xã, phường, thị trấn phân công cán bộ tăng cường bám sát địa bàn, điều tra, dự tính, dự báo chính xác phát sinh, gây hại của bệnh đạo ôn, đặc biệt là rà soát, thống kê các diện tích đã bị nhiễm đạo ôn lá, những diện tích cấy giống nhiễm bệnh đạo ôn, để khoanh vùng chỉ đạo phun phòng trừ; Chủ động tham mưu cho lãnh đạo UBND cấp huyện ban hành văn bản chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương và nông dân tổ chức phun phòng cho các diện tích có nguy cơ cao bị đạo ôn cổ bông theo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn bằng các loại thuốc đặc hiệu.

- Chỉ đạo tổ chức phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông trên những diện tích mà trước đó đã bị nhiễm bệnh đạo ôn lá, những diện tích cấy giống lúa nhiễm (nếp, Q5, TBR 225, BC15, Thiên Ưu 8, P6,...), những diện tích cấy dày, lúa xanh tốt, thừa đạm, diện tích chua, trũng, hẩu, đặc biệt là ở những vùng có áp lực bệnh cao như: Ninh Giang, Thanh Miện, Tứ Kỳ, Bình Giang, …

- Thời điểm phun: Phun khi lúa thập thò trỗ (trỗ từ 5-10%). Riêng với diện tích có nguy cơ bị đạo ôn cổ bông nặng cần chỉ đạo phun nhắc lại lần 2 vào thời điểm lúa đã trỗ thoát trên 90%. Trường hợp phun xong nếu gặp mưa cũng cần sớm tổ chức phun lại ngay sau khi trời tạnh.

- Loại thuốc: Khuyến cáo sử dụng một trong số những thuốc có chứa hoạt chất đặc hiệu đối với bệnh đạo ôn như: Tricyclazole (Bump 650WP, Bankan 600WP, Filia 525SE, Tigon Diamon 800WP, Flash 75WP, NP-G6 666WP, Beam 75WP, Kasai-S 92SC, …); Fenoxanil (Famy 700WP, Katana 20SC, …).

Lưu ý: Thời điểm này không khuyến cáo sử dụng nhóm thuốc trừ đạo ôn ở dạng EC (nhũ dầu) vì phụ gia của nhóm thuốc này thường có tính nóng sẽ ảnh hưởng đến quá trình phơi màu của bông lúa.

2. Yêu cầu Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh chủ động phối hợp với cơ quan truyền thông, Trung tâm khuyến nông tỉnh để tăng thời lượng phát sóng, tích cực tuyên truyền, tập huấn hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật phòng bệnh cho nông dân trên địa bàn tỉnh để nông dân nắm bắt và chủ động phun phòng kịp thời; Tăng cường cán bộ kỹ thuật đi cơ sở, phối hợp chặt chẽ với cán bộ chuyên môn cấp huyện để điều tra, dự tính, dự báo chính xác về tình hình bệnh đạo ôn cổ bông.

Trần Cảnh

Trung tâm Khuyến nông Hải Dương