Theo quyết định công bố, vùng dịch được xác định là thôn Mạn Đê, vùng uy hiếp gồm các thôn Thụy Trà và Thượng Dương, xã Nam Trung; thôn Thượng, xã Nam Chính, thôn Đụn, xã Nam Hồng và thôn Quan Sơn, xã An Sơn. Vùng đệm gồm tất cả các xã còn lại trên địa bàn huyện. Trong thời gian có dịch, UBND huyện Nam Sách yêu cầu tạm dừng các hoạt động mua bán, vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn ra vào dùng dịch; triển khai ngay các biện pháp chống dịch, dập dịch trên địa bàn.

Trước đó, ngày 6/4, nhận được thông tin đàn lợn của các gia đình ở xã Nam Trung có biểu hiện sốt, bỏ ăn, da nổi mẩn đỏ và chết, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Nam Sách đã lấy mẫu phẩm gửi đi làm xét nghiệm và kết quả dương tính với dịch tả lợn châu Phi.

Trong ngày 7/4, nhiều hộ chăn nuôi trong thôn Mạn Đê tiếp tục phát hiện có lợn ốm với các biểu hiện của bệnh dịch tả lợn châu Phi. Hiện, các lực lượng chức năng của xã Nam Trung đã thực hiện tiêu hủy 124 con lợn mắc bệnh tại ổ dịch; trong đó, có 29 con lợn nái với tổng trọng là 5.446 kg và 95 con lợn thịt với tổng trọng lượng là 1.649 kg.

Theo Chi cục Thú y tỉnh Hải Dương, đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 12/12 huyện, thành phố của tỉnh. Cụ thể, 741 hộ ở 166 thôn thuộc 97 xã, phường, thị trấn có lợn ốm chết và phải tiêu hủy. Tổng số lợn phải tiêu hủy đến nay là 10.620 con với tổng trọng lượng trên 640 tấn. Huyện Ninh Giang để xảy ra nhiều ổ dịch nhất với 21/28 xã, thị trấn có dịch; Tứ Kỳ có 14/27 xã, thị trấn có dịch.

Chi cục Thú y tỉnh đã tiếp nhận, cung ứng trên 33.000 lít hóa chất tới các địa phương phục vụ phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn; phối hợp Ban chỉ đạo phòng chống dịch các địa phương tổ chức triển khai, hướng dẫn phun hóa chất khử trùng tiêu độc, sử dụng vôi bột tiêu độc tại ổ dịch, vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm... theo quy định.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, dịch bệnh xảy ra ở 166 thôn, tuy nhiên, mỗi thôn chỉ có một vài hộ và chỉ xảy ra ở những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và số lượng lợn tiêu hủy mắc bệnh, tiêu hủy chỉ chiếm số nhỏ (10.620 con/tổng đàn là 562.000 con). Ở các trang trại, gia trại lớn hầu như không để xảy ra dịch tả lợn do ý thức phòng chống rất tốt.

Tỉnh Hải Dương chỉ đạo cơ quan chuyên môn, chính quyền các địa phương tăng cường nhân lực, vật tư, trang thiết bị để làm tốt việc phòng chống bệnh dịch; Thành lập Đội ứng phó nhanh trong phòng, chống dịch bệnh nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ tiêu hủy lợn tại ổ dịch, tiêu độc khử trùng, kiểm soát dịch bệnh.

Các cơ quan chức năng tiếp tục tuyên truyền về sự nguy hiểm của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, bệnh dịch tả lợn châu Phi, các dấu hiệu nhận biết, chẩn đoán phân biệt; các biện pháp phòng bệnh chủ động; vận động người chăn nuôi thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, tăng tần suất vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại và khu vực xung quanh bằng các hóa chất có tính sát khuẩn mạnh nhằm tiêu diệt mầm bệnh.

Tỉnh Hải Dương cũng đã phê duyệt mức hỗ trợ cho người chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy để phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn cụ thể là 32.000 đồng/kg đối với lợn con, lợn thịt các loại và 52.000 đồng/kg đối với lợn nái, lợn đực đang khai thác.

TTXVN