Chuột hại gia tăng, nông dân lo lắng

Ở huyện Kiến Thuỵ, nhiều nông dân xã Hữu Bằng phiền muộn khi nạn chuột hoành hành làm thiệt hại đến 79 ha. Trong đó, 25 ha gần như mất trắng. Nhiều xã khác trên địa bàn huyện Kiến Thuỵ như Tân Trào, Ngũ Phúc… diện tích lúa mùa bị chuột gây hại dao động 18 - 23 ha. Đến ngày 30 - 9, tổng diện tích lúa mùa bị hại trên địa bàn huyện Kiến Thuỵ lên đến 287 ha. Không chỉ ở huyện Kiến Thuỵ, thời điểm này, ở các địa phương khác, cơ bản diện tích lúa mùa trỗ bông, đang vào giai đoạn chắc xanh, nhưng nông dân đứng ngồi không yên, lo lắng vì nạn chuột gây hại, thậm chí có những nơi không thể cho thu hoạch. Rải rác tại các cánh đồng gần các khu ruộng bỏ hoang ở các xã Tân Tiến (huyện An Dương), Hữu Bằng, Thuận Thiên (Kiến Thuỵ), Chiến Thắng (An Lão)… chuột phá hoại gần như mất trắng thu hoạch. Ở các huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, Thuỷ Nguyên… diện tích lúa mùa bị chuột gây hại lớn hơn nhiều các vụ sản xuất trước. Cụ thể, huyện Tiên Lãng diện tích chuột phá hoại 100 ha, huyện Thuỷ Nguyên 500 ha, huyện Vĩnh Bảo 200 ha…

Theo các cán bộ Phòng Bảo vệ thực vật (Chi cục Trồng trọt – BVTV), việc làm đất của nông dân nhiều địa phương chậm tiến độ khiến lúa chét phát triển mạnh, rơi thóc trên cây xuống các ruộng lúa, tạo nguồn thức ăn dự trữ phong phú, chuột hoành hành trên ruộng lúa đang sinh trưởng. Ở một số huyện như: Kiến Thuỵ, An Dương, An Lão…, một số diện tích ruộng bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, là nơi trú ngụ, sinh trưởng của chuột. Thậm chí, ở một số địa phương phát triển mạnh các trang trại chăn nuôi xen kẽ ở các khu cánh đồng, nước thải chăn nuôi đổ ra môi trường ô nhiễm, bẩn, hôi thối cũng là nơi trú ngụ của chuột. Gần đây, một số HTX trong quá trình chuyển đổi mô hình mới hoạt động cầm cự, không duy trì thường xuyên hoạt động của các tổ đội diệt chuột, nông dân mạnh ai nhà ấy tự diệt chuột theo nhiều cách khác nhau nên hiệu quả không cao…

Quyết liệt diệt chuột

Theo ông Lê Việt Cường, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt – BVTV, thời điểm nạn chuột hoành hành trên diện tích rộng như vụ mùa năm nay, để khống chế được nạn chuột, phải nâng cao trách nhiệm chính quyền các địa phương, phối hợp tích cực các ngành chức năng chỉ đạo sát sao, tập trung diệt chuột để bảo vệ năng suất lúa mùa, cứu những diện tích lúa còn lại. Đặc biệt, chủ tịch UBND các xã cần quyết liệt chỉ đạo các thôn đồng loạt diệt chuột bằng các biện pháp hiệu quả cao nhất.

Hiện nay, ở các địa phương, bà con sử dụng nhiều biện pháp diệt chuột khác nhau, kết hợp biện pháp thủ công và thuốc hoá học. Theo khuyến cáo của các ngành chức năng, tập trung diệt chuột bảo vệ lúa mùa, các biện pháp này là cấp thiết nhưng cần chú trọng không gây hại môi trường, nguy hiểm tính mạng con người. Khi phối hợp sử dụng các biện pháp hoá học để diệt chuột, nông dân tuân thủ hướng dẫn của các ngành chức năng để sử dụng đúng cách, tránh gây tác hại không mong muốn.

Những năm qua, thành phố có hỗ trợ kinh phí, cho các địa phương diệt chuột, phân bổ thuốc diệt chuột CAT 0,25 WP cho các địa phương. Năm 2017, thành phố hỗ trợ 4680 kg thuốc diệt chuột, nhưng đến nay nhiều địa phương sử dụng hết số thuốc mà chuột vẫn hoành hành. Diện tích lúa bị chuột cắn tăng lên từng ngày. Để diệt chuột hiệu quả cao, theo cán bộ phòng nông nghiệp – PTNT các địa phương, diệt chuột phải với phương châm phòng là chính. Vì vậy các địa phương chỉ đạo diệt chuột phải thường xuyên và trở thành phong trào toàn dân. Cán bộ làm công tác kỹ thuật nông nghiệp, khuyến nông – khuyến ngư, ban, ngành, đoàn thể địa phương, cần tích cực, sát cánh cùng nông dân diệt chuột, bảo vệ mùa màng. Mặt khác, ngay từ khi lúa thu hoạch xong bà con phải diệt chuột bằng nhiều biện pháp đồng bộ, thích hợp từng giai đoạn; tạo điều kiện duy trì hoạt động của tổ đội diệt chuột ở các thôn…

Trong các thông báo của các ngành chức năng thuộc Sở Nông nghiệp – PTNT chỉ đạo công tác diệt chuột nghiêm cấm việc sử dụng điện để diệt chuột. Bên cạnh đó, khuyến khích các địa phương sử dụng các biện pháp thủ công, sinh học thân thiệt môi trường để diệt chuột như biện pháp đào bắt, nhử mồi sinh học, dùng bẫy bán nguyệt…

Theo báo Hải Phòng