Ngay sau khi có thông tin dịch bệnh vào cuối năm 2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh Hòa Bình ra văn bản hỏa tốc yêu cầu các đơn vị liên quan, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò và tổ chức kiểm soát chặt chẽ các ổ dịch cũng như hướng dẫn các hộ, cơ sở chăn nuôi trâu, bò áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.

Theo thông tin của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tính đến 01/04/2021 có tổng 17 xã tại 5 huyện, thành phố của tỉnh đều xuất hiện các ổ dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò với tổng số 494 con trâu bò nhiễm bệnh, số con chết và thiêu hủy là 18 con. Trong đó, huyện Mai Châu có 183 con bò mắc bệnh (chết 15 con) thuộc các xã Tòng Đậu, Chiềng Châu, Nà Phòn, Mai Hạ, Mai Hịch, Bao La. Huyện Tân Lạc có 273 con bò mắc bệnh (chết 2 con) thuộc các xã Phong Phú, Nhân Mỹ, Quyết Chiến, Phú Cường, Phú Vinh. Huyện Lương Sơn có 15 con bò mắc bệnh (chết 1 con) tại xã Liên Sơn. Huyện Đà Bắc có 3 con bò mắc bệnh, dịch xảy ra tại xã Đồng Chum. Huyện Lạc Sơn có 20 con bò mắc bệnh, thuộc xã Quyết Thắng và Tân Mỹ;

Đến ngày 6/04/2021, tiếp tục phát hiện thêm trâu, bò nghi mắc bệnh viêm da nổi cục tại các huyện Yên Thủy, Lạc Thủy. Như vậy, đã có 7/10 địa phương phát hiện trâu, bò mắc bệnh viêm da nổi cục. Trong đó, các huyện Tân Lạc, Mai Châu và Lương Sơn đã công bố dịch, các huyện khác đã lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm và công bố dịch theo quy định.

Bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò

Ông Phạm Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hòa Bình cho biết, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò là bệnh mới do vi rút gây ra, dịch diễn biến nhanh, phức tạp và có chiều hướng lan rộng, nhất là vào dịp vụ Xuân – Hè thời tiết giao mùa từ lạnh ẩm sang ấm áp là điều kiện thuận lợi cho côn trùng, ruồi, muỗi, ve…. phát triển, phát tán mầm bệnh .

Nhận định nguy cơ dịch bệnh còn tiếp tục gia tăng, mới đây Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình tiếp tục ban hành văn bản đề nghị các địa phương nghiêm túc thực hiện những quy định xử lý ổ dịch, công bố dịch và tổ chức chống dịch trong vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp và vùng đệm theo Luật Thú y.

Theo đó, các địa phương trong toàn tỉnh cần: Công bố dịch theo quy định của Luật Thú y; Kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch để chỉ đạo đôn đốc thực hiện khoanh vùng, bao vây, dập dịch; Tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau để người chăn nuôi biết được tác hại của dịch bệnh và chủ động phòng chống dịch; Tổ chức cách ly nuôi nhốt toàn bộ gia súc mắc bệnh; Chủ động rà soát thống kê và xây dựng kế hoạch triển khai tiêm phòng khẩn cấp; Thành lập đội kiểm soát lưu động kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển trâu bò ra vào ổ dịch, công tác giết mổ trên địa bàn; Tổ chức tổng vệ sinh, phun khử trùng tiêu đọc liên tục trong vòng 3 tuần tại các hộ chăn nuôi mắc và nghi mắc bệnh; Hướng dẫn người chăn nuôi vệ sinh môi trường, thu gom chất thải, xử lý đốt, ủ, dùng vôi bột khử trùng chuồng nuôi..; Người chăn nuôi, thú y cơ sở tăng cường theo dõi giám sát phát hiện báo cáo kịp thời để khoanh vùng và xử lý ổ dịch kịp thời.

Hà Cao

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hòa Bình