Tham dự Hội nghị có đại diện Văn phòng Bộ, Tổng cục Thủy sản, Vụ Kế hoạch, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Vụ Tài chính, Vụ Hợp tác Quốc tế, Vụ Pháp chế, Thanh tra Bộ, Cục Chăn nuôi, Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và Thủy sản, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (TTKNQG), Viện Chăn nuôi, Viện Thú y, Sở NN&PTNT, Chi cục Thú y, Chi cục Thủy sản, Chi cục Nuôi trồng Thủy sản các tỉnh từ Thừa Thiên Huế trở ra; Đại diện các dự án hỗ trợ ngành (FAO, CRSD, PAHI); cùng các Cơ quan Báo, Đài thông tin, truyền thông đến dự và đưa tin.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe TS. Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y báo cáo kết quả công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2014 và kế hoạch năm 2015.

Năm 2014, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm xảy ra tại một số tỉnh, không gây thiệt hại lớn. Các ổ dịch cúm gia cầm đã xuất hiện trên 158 xã, phường của 93 huyện, thị xã thuộc 33 tỉnh, thành phố. Số gia cầm mắc bệnh là 212.600 con, trong đó gà chiếm 36%, vịt chiếm 64%. Hiện nay, các ổ dịch cúm gia cầm đã được khống chế thành công, qua 21 ngày không có ổ dịch mới phát sinh. Nhận định, trong năm 2015, các ổ dịch vẫn phát ra rải rác tại một số địa bàn có nguy cơ cao, đặc biệt khu vực nuôi nhiều thủy cầm, xung quanh chợ gia cầm sống và khu vực có ổ dịch cũ.

Bệnh Lở mồm long móng gia súc (LMLM), trong năm đã xuất hiện 81 ổ dịch tại 81 xã thuộc 31 huyện, thị xã của 13 tỉnh, đã làm 2.978 con gia súc mắc bệnh, số gia súc chết và tiêu hủy là 172 con. Hiện nay, cơ bản vẫn đang kiểm soát dịch bệnh, tại Sơn La, Lâm Đồng có các ổ dịch chưa qua 21 ngày. Nhận định thời gian tới, dịch vẫn có thể tiếp tục xuất hiện ở khu vực miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ và Tây Nguyên.

Dịch tai xanh, từ tháng 7 năm 2013, dịch bệnh tai xanh trên lợn đã được khống chế.

Bệnh dại, trong năm 2014 đã có 29 tỉnh báo cáo có chó nghi mắc bệnh, đã tiêu hủy 128 con chó nghi mắc bệnh dại; đã có 333.343 người bị chó cắn phải đi điều trị dự phòng và có 61 người tử vong tại 29 tỉnh, thành phố, giảm 31 người so với năm 2013.

Các dịch bệnh khác vẫn lác đác xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm, so với năm 2013, các dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm đã giảm hơn cả về số ca và số tỉnh.

Về thủy sản, năm 2014, cả nước có 59.579 ha diện tích nuôi tôm, 1.096 ha diện tích nuôi ngao bị thiệt hại, bệnh xuất hiện trên 1.513 ha diện tích nuôi các tra; các thủy sản khác là 941 ha bị thiệt hại. Trong đó, thủy sản và tôm nước lợ bị thiệt hại lớn nhất, diễn biến phức tạp xảy ra trên diện rộng (chủ yếu bị bệnh đốm trắng, bệnh hoại tử gan tụy cấp và do ô nhiễm môi trường).

TS. Hạ Thúy Hạnh - PGĐ TTKNQG phát biểu tại Hội nghị.

Đại diện TTKNQG, TS. Hạ Thúy Hạnh – PGĐ Trung tâm đã báo cáo một số hoạt động khuyến nông góp phần trong công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản. Thời gian qua, hệ thống khuyến nông đã tập trung đưa các chương trình về chăn nuôi an toàn sinh học, quản lý tốt con giống, thức ăn, vệ sinh chuồng trại, các biện pháp tiêu độc khử trùng... Một số dự án khuyến nông TTKNQG đã và đang triển khai như: Dự án Phòng chống dịch bệnh tổng hợp cho gia súc, gia cầm; Xây dựng mô hình phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm quy mô xã; Mô hình áp dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo kết hợp với thú y cộng đồng nhằm phát triển chăn nuôi lợn theo hướng VietGAP trong nông hộ; Xây dựng mô hình sản xuất giống gia cầm cho các tỉnh miền Núi biên giới phía Bắc. Với hoạt động xây dựng mô hình, đào tạo huấn luyện và thông tin tuyên truyền, TTKNQG đã hướng dẫn cán bộ khuyến nông từ cấp tỉnh đến cấp xã và các hộ chăn nuôi nhằm nâng cao nhận thức và hiệu quả trong công tác phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi. Hiện nay, cả nước có hàng ngàn cộng tác viên khuyến nông thôn, bản đã phối hợp với hệ thống thú y thôn, bản trong công tác phát hiện dịch bệnh kịp thời, thông báo dịch và phòng trừ dịch bệnh. Trung tâm cũng kiến nghị cơ quan thú y cần phối hợp với TTKNQG chặt chẽ hơn nữa để thông báo tình hình dịch tễ, cũng như nguy cơ xảy ra dịch bệnh hoặc dịch bệnh đã xảy ra để có biện pháp phòng, chống dịch bệnh tổng hợp hiệu quả hơn. Đồng thời, khi dịch bệnh xảy ra lẻ tẻ cũng cần khuyến cáo cụ thể để vẫn khống chế được dịch bệnh và không ảnh hưởng đến tiêu thụ sản phẩm trong vùng.

Kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhấn mạnh, để công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản hiệu quả cần thực hiện một số nội dung liên quan sau:

- Tập trung mục tiêu giảm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, thủy sản trong năm 2015, đặc biệt trước và sau Tết Nguyên đán.

- Quan tâm dịch bệnh gia súc, gia cầm lây sang người, ngăn chặn nhập lậu qua biên giới. Đối với dịch LMLM, cần kiểm soát thông qua các chương trình giám sát giai đoạn 2011 – 2015 và 2016 – 2020; quan tâm đến sản xuất vắc-xin và vận chuyển, giết mổ gia súc. Với dịch Tai xanh, cần phải tiêm phòng đầy đủ tất cả các bệnh, đặc biệt 4 bệnh đỏ. Bệnh đốm trắng ở thủy sản, cần nghiên cứu vật mang bệnh và giải pháp phòng chống dịch bệnh.

- Tăng cường giám sát, lấy mẫu, giải trình tự gen của mầm bệnh để sản xuất vắc-xin đúng chủng loại, đặc biệt những chủng vi-rút mới. Tiếp tục nghiên cứu vắc-xin các bệnh nguy hiểm như Tai xanh, LMLM, Cúm gia cầm để xản xuất vắc-xin trong nước, gắn kết giữa các cơ quan nghiên cứu, các doanh nghiệp.

- Khuyến nông và Thú y phối hợp xây dựng các sổ tay hướng dẫn phòng chống dịch bệnh cho người chăn nuôi và cán bộ khuyến nông, thú y xã, phường.

- Xây dựng hệ thống quan trắc cảnh báo môi trường, hướng dẫn mùa vụ và nhân rộng mô hình.

Ngoài ra, cần chấn chỉnh công tác kiểm dịch, công tác tiêm phòng, bám sát thực tiễn. Phát triển chăn nuôi gắn với tái cơ cấu. Kiện toàn bộ máy trong công tác phòng chống dịch bệnh. Các địa phương cần chủ động kinh phí phòng chống dịch bệnh, chỉ đạo rà soát các văn bản để giảm thủ tục hành chính và giảm chi phí.

Nguyễn Thị Liên Hương

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia