Diện tích nhiễm nặng 1,5 ha, phân bố tại bản Qua, xã Tân Dương. Ngoài ra gây hại rải rác tại các xã trên địa bàn huyện: Xuân Hòa, Xuân Thượng, Lương sơn, Phúc Khánh...

Khi phát hiện ra bọ trĩ gây hại, bà con nông nhân rất lo lắng vì bọ trĩ cùng một số loại khác như rầy xanh, nhện đỏ, bọ xít muỗi... đang tăng cường phá hại. Dẫu chè đang đến tuổi thu hoạch, song vì bọ trĩ mà nhiều đồi chè không được thu hoạch, năng suất giảm sâu, chất lượng cũng bị giảm.

Trước tình hình đó, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bảo Yên đã phối hợp với UBND xã, khuyến nông viên, trưởng thôn bản đi kiểm tra và đã khuyến cáo nhân dân các biện pháp chăm sóc, đốn tỉa lá bị hại và hướng dẫn nhân dân phun phòng trừ bọ trĩ bằng các loại thuốc trừ sâu sinh học.

Bọ trĩ thường tập trung gây hại trên các nương chè khô hạn, còi cọc, chè già và không có cây che bóng. Bọ trĩ thường phát sinh, phát triển mạnh trong thời tiết khô và nóng, thích hợp phát triển ở điều kiện nhiệt độ 27-330C.

Mỗi năm bọ trĩ gây hại 2 đợt chính: đợt 1 từ tháng 4 đến tháng 8, chè đang ra lá mới bọ trĩ gây hại mạnh; đợt 2 từ giữa tháng 10 đến cuối tháng 11 thường gây hại ít và trên diện hẹp. Bọ trĩ là loại côn trùng có vòi giũa hút, ngay từ sau khi bọ non nở ra đến trưởng thành, chúng bám ở mặt dưới lá non, tôm chè và trên cọng búp để gây hại, làm cho mặt dưới lá và trên cọng búp nổi lên đường sần sùi song song mầu nâu xám. Búp chè bị hại có biểu hiện cứng, lá dầy màu xanh thẫm, có thể lá nhăn hoặc biến dạng. Chỉ cần một vài con bọ cánh tơ vẫn có thể làm giảm chất lượng búp chè, búp chè bị hại sẽ bị, khô giòn dễ vỡ vụn, chè chế biến sẽ có vị đắng hơn, pha chè bị vàng kém xanh. Khi chè bị bọ trĩ hại nặng, lá và tôm chè bị rụng sớm, lá non bị biến dạng, các mầm non héo thâm và ảnh hưởng đến năng suất búp chè lứa tiếp theo.

Với tình hình thời tiết hiện nay diễn biến phức tạp, theo dự kiến Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Lào Cai, thời gian tới sẽ tiếp tục xuất hiện các đợt nắng nóng, oi bức, khô hạn là điều kiện lý tưởng cho bọ trĩ tiếp tục gây hại mạnh, nếu không phòng trừ kịp thời,  triệt để sẽ ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng chè.

Cán bộ Trung tâm hướng dẫn bà con nông dân xã Tân Dương các biện pháp chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại chè

 

Để chủ động phòng trừ bọ trĩ gây hại, hạn chế tích lũy mật độ và lây lan trên diện rộng, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bảo Yên khuyến cáo bà con nông dân hàng năm cày đất để diệt bọ trĩ cư trú trong đất; Trồng cây che bóng; Tưới nước giữ ẩm cho nương chè; Dùng vật liệu phủ kín xung quanh gốc chè không để rễ chè lộ lên trên mặt đất; Bón phân đầy đủ cân đối giữa đạm, lân, kali để cây chè sinh trưởng và phát triển tốt, không để cây chè thiếu dinh dưỡng, còi cọc; Hái chè thường xuyên, triệt để để loại bỏ trứng, bọ trĩ non và trưởng thành; Áp dụng các biện pháp sinh học như bảo vệ các loại thiên địch trên nương chè; Tăng cường kiểm tra nương chè, phát hiện bọ trĩ sớm, khoanh vùng diện tích nhiễm. Nếu phát hiện bọ trĩ, hạn chế sử dụng thuốc hóa học, nếu cần thiết chỉ nên sử dụng thuốc ít độc, có phổ tác động hẹp, ít ảnh hưởng đến thiên địch. Chỉ dùng thuốc hóa học khi bọ trĩ 1-2 con/búp, tỷ lệ hại 5% trở lên;  Sử dụng các loại thuốc trừ sâu sinh học có hoạt chất Abamectin, Emamectin..., một trong các loại thuốc như Ababetter 1.8 EC, 3.6 EC; Abagro 1.8 EC, 4.0 EC; Reasgant 1.8 EC, 3.6 EC.

Chú ý: Liều lượng pha phun xem trên nhãn mác bao bì. Tuân theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc; đúng nồng độ, liều lượng; đúng lúc; đúng cách). Phun thuốc vào buổi chiều mát. Những diện tích bị hại nặng tiến hành phun kép 2 lần, lần 2 cách lần 1 từ 3-5 ngày, trước khi thu hái sản phẩm phải đảm bảo thời gian cách ly sau khi sử dụng thuốc.

Phạm Thị Hiền 

Trung tâm Dịch vụ NN Bảo Yên (Lào Cai)