Tiêu hủy toàn bộ heo bị lở mồm long móng, cúm gia cầm

Theo đó, tính đến ngày 10/3 dịch LMLM đã xảy ra tại 8 hộ, 7 thôn, 6 xã gồm 3 xã Cam Tân, Suối Tân, Cam Thành Bắc của huyện Cam Lâm và 3 xã Khánh Hiệp, Khánh Đông, Khánh Bình của huyện Khánh Vĩnh. Còn dịch CGC xảy ra 4 hộ, ở thôn Thanh Minh, xã Diên Lạc, huyện Diên Khánh.

Sau đó, UBND các huyện Cam Lâm, Khánh Vĩnh đã tổ chức tiêu hủy 100 con heo bị mắc bệnh LMLM, với trọng lượng 6.085kg và huyện Diên Khánh đã tiêu hủy 1.684 con gia cầm. Trong đó, 1.397 gà, 78 vịt, 209 bồ câu.

Đồng thời tiến hành phun thuốc tiêu độc, khử trùng tại hộ có heo và gia cầm mắc bệnh và các khu vực xung quanh; kiểm tra và lập cam kết các hộ chăn nuôi heo và gia cầm tại các xã có dịch; đặt biển báo tại nơi có dịch.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã tạm cấp 186 lít hóa chất Han Iodine 10% từ nguồn dự phòng chống dịch cho các địa phương. Cụ thể, Cam Lâm 36 lít, Khánh Vĩnh 100 lít và Diên Khánh 50 lít. Đồng thời lực lượng thú y cũng đã phối hợp với chính quyền các địa phương thực hiện giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh đến các hộ nuôi, cơ sở chăn nuôi.

Bên cạnh đó, Chi cục Chăn nuôi và Thu y tỉnh cũng đã cấp vắc xin triển khai tiêm phòng định kỳ đợt 1/2019 cho 51 xã khó khăn và đồng bào dân tộc, với 28.850 liều vắc xin dịch tả lợn, 32.975 liều vắc xin THT trâu bò. Bên cạnh đó, chương trình khống chế bệnh LMLM, cũng đã cấp 33.000 liều vắc xin LMLM tiêm cho trâu bò từ nguồn dự trữ chống dịch.  

Ngăn chặn dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) xâm nhập

Đó là Chỉ thị về việc tập trung triển khai các giải pháp ngăn chặn bệnh dịch tả lợn Châu phi (DTLCP) vừa được Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa ông Lê Đức Vinh ký yêu cầu các huyện, TX, TP và giám đốc các sở và thủ trưởng ngành, đơn vị liên quan tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp cấp bách, nhằm ngăn chặn DTLCP xâm nhập trên địa bàn.

Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, tính đến thời điểm này trên địa bàn chưa xuất hiện dịch tả lợn Châu phi (DTLCP) trên đàn heo, song nguy cơ lây lan và xuất hiện trên địa bàn là rất cao. Vì vậy, Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo Chủ tịch UBND các huyện, TP thành lập BCĐ phòng, chống dịch bệnh trên động vật; thành lập đoàn công tác các cấp và phân công trách nhiệm cụ thể từng thành viên tổ chức phòng, chống dịch bệnh; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện phòng, chống dịch tại cơ sở và xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm.

Xây dựng và triển khai thực hiện có kế hoạch và chịu trách nhiệm về ngăn chặn và phòng, chống DTLCP trên địa bàn quản lý. Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn… thống kê, báo cáo số lượng đàn heo, hộ chăn nuôi; lập kế hoạch và thông báo cho người chăn nuôi biết để chủ động thực hiện phun khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi trong tháng 3/2019. Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về công tác ngăn chặn, phòng chống DTLCP; tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các điểm buôn bán, giết mổ; xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ heo, sản phẩm nhập lậu, nghi nhập lậu không có nguồn gốc. Nếu phát hiện heo ốm, chết có triệu chứng nghi bệnh DTLCP thì tổ chức lấy mẫu xét nghiệm để xác định nguyên nhân và tổ chức tiêu hủy đúng quy định…

Chủ tịch tỉnh giao Sở NN-PTNT theo dõi chặt chẽ, tổng hợp diễn biến tình hình DTLCP ở các tỉnh, nhất là các tỉnh lân cận để có giải pháp quản lý, ngăn chặn kịp thời.

Khuyến cáo cho người chăn nuôi, buôn bán, giết mổ thực hiện “5 không” theo Luật thú y, đó là: Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lơn chết, không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn bệnh ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.

Khi các hộ chăn nuôi phát hiện gia súc, chết nghi mắc bệnh truyền nhiễm phải báo ngay chính quyền địa phương và cơ quan thú y để lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm để xử lý dịch bệnh kịp thời, tránh lây lan; thông báo cho các hộ chăn nuôi lợn bị mắc DTLCP về chính sách hỗ trợ của nhà nước theo quy định…

Được biết, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa hiện có tổng đàn heo khoảng 260.000 con.

Theo NNVN