Tuy nhiên tháng 7 năm nay, nắng nóng kéo dài, người nông dân chỉ chờ mưa để xuống giống kiệu nhưng vẫn không thấy trận mưa nào. Người dân buộc phải tìm mọi cách để tìm nguồn nước ít ỏi nhằm xuống giống kiệu cho kịp thời vụ và hy vọng sẽ đón được cơn mưa vàng để cây kiệu phát triển tiếp trong thời gian tới.

Qua trao đổi với các nông dân, để xuống được giống kiệu trong thời điểm này, họ đã phải đào những giếng to tại ruộng kiệu, chi phí đào giếng để có nước trong vụ này rất cao, từ 80 - 100 triệu đồng nhưng không biết chắc chắn có đủ lượng nước để tưới cho ruộng kiệu suốt thời gian phát triển hay không nếu nắng nóng cứ kéo dài. 

Nông dân Cam An Nam sử dụng lá mía đã hoai mục để phủ lên những luống kiệu

Bên cạnh đó, người nông dân cũng tận dụng lá mía sẵn có ở địa phương, để hoai mục ngoài thời tiết tự nhiên hơn 1 tháng, sau đó sử dụng lá mía này phủ lên lớp đất đã gieo kiệu. Việc phủ bằng lá mía giúp ruộng kiệu giữ được ẩm, tránh thất thoát hơi nước, vừa giúp cây kiệu phát triển tốt hơn, vừa giảm được sự phát triển của nấm bệnh gây hại rễ và củ kiệu.

Trước thời tiết khắc nghiệt như hiện nay, với vùng đất không chủ động nước tưới như xã Cam An Nam, huyện  Cam Lâm, người nông dân nơi đây đã không ngừng học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình khuyến nông, các lớp tập huấn, từ đó mạnh dạn, đưa nhiều cây trồng chịu hạn, phù hợp với thổ nhưỡng như cây kiệu, cây mãng cầu na, cây ớt… vào canh tác, đầu tư áp dụng kỹ thuật trồng tiến bộ nhằm từng bước nâng cao hiệu quả kinh tế trên mảnh đất của mình.

Nguyễn Thị Nhặn

Trạm Khuyến CNLN huyện Cam Lâm, Khánh Hòa