Anh Nguyễn Thanh Phước, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Ca cao Thống Nhất (xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất) cho biết, nguyên nhân xuất hiện ruồi vàng có thể do thời tiết mưa nhiều, độ ẩm cao tạo điều kiện cho các ấu trùng ruồi phát triển. Hơn nữa, trước kia nhà vườn chủ yếu chỉ làm theo mùa, bây giờ đa số xử lý vườn có trái quanh năm càng khiến ấu trùng ruồi có điều kiện phát sinh.

Ông Lê Minh Tôn (Bảy Tôn), thành viên HTX Ca cao Thống Nhất cũng xác nhận, những vườn ca cao của HTX thì đỡ bị ruồi vàng phá hoại vì vỏ trái dày cứng, nhưng vườn bưởi, sầu riêng, chôm chôm, ổi… thì phổ biến có ruồi vàng xuất hiện. Trước kia nhiều nhà vườn thường đặt bẫy có chất dẫn dụ để diệt ruồi vàng. Bây giờ dùng bẫy diệt không xuể, bà con chọn giải pháp sống chung và tăng cường phun xịt thuốc.

Chị Đặng Thị Thúy Nga, Giám đốc HTX Nông nghiệp Xuân Định (Xuân Lộc) tâm sự: “Năm ngoái cũng vào thời điểm này khi ra vườn thu hoạch chôm chôm, ruồi vàng bay đậu đầy trên người. Năm nay bà con chủ động phun, xịt phòng ngừa sớm theo khuyến cáo của Trạm Bảo vệ thực vật. Tuy nhiên cũng chỉ hy vọng giảm bớt mật độ ruồi vàng chứ không thể diệt triệt để”.

Theo chị Nga, vùng chôm chôm Java của HTX vừa thu hoạch dứt đợt 1 và chuẩn bị thu đợt 2. Xã viên lo ngại vì đây là những “món” ruồi vàng ưa chuộng. Cùng thời điểm này năm trước, tỉ lệ chôm chôm bị “dính” ruồi vàng rất cao. Có vườn hái không kịp nên bị ruồi vàng tấn công làm giảm tới 30% năng suất.

Một số xã viên HTX Xuân Định cũng cho hay, việc đầu tư phun xịt phải tùy thuộc vào giá cả thị trường. Năm nào giá trái tăng cao thì bà con hăng hái chăm sóc vườn, còn giá trái thấp nhiều hộ bỏ mặc vườn cây. Tuy nhiên, tâm lý chung của nhà vườn là chấp nhận “sống chung với ruồi vàng”. Nếu phun xịt thì cũng chỉ xua đuổi tạm thời.

 Chúng tôi tiếp tục đến vườn bưởi của gia đình anh Đặng Tuấn Thành, ấp Hưng Hiệp, xã Hưng Lộc, nơi được xem là một trong những vườn kiểu mẫu với gần 1.000 gốc. Theo anh Thành, trước kia tình trạng ruồi vàng cũng xuất hiện từ thời điểm ra bông đến khi kết trái. Tuy nhiên, để giữ được vườn bưởi nằm ngoài “vùng phủ sóng” của ruồi vàng, gia đình anh đã phải đầu tư nhiều loại thuốc sinh học và tăng cường biện pháp đặt bẫy, chăm sóc vườn bất kể ngày đêm.

“Trước đây bà con cũng từng phun thuốc đại trà để diệt ruồi vàng, nhưng chỉ giảm được một thời gian rồi chúng lại xuất hiện trở lại. Bây giờ họ trồng đủ loại trái cây và cho thu hoạch quanh năm nên lúc nào cũng có ruồi vàng gây hại”, anh Thành cho biết.

Ông Phùng Thanh Tâm, Giám đốc HTXNN Bình Lộc (xã Bình Lộc, TX. Long Khánh) cũng cho biết: “Chôm chôm đang bước vào thu đợt 2 nhưng bị ruồi vàng gây hại làm giảm năng suất từ 10 - 15%. Nhà vườn đang lo ngại nạn ruồi vàng khiến chi phí sản xuất tăng cao mà năng suất trái vẫn giảm.

Ông Nông Quốc Thanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hưng Lộc cho biết, hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị ruồi vàng nên chỉ khuyến cáo bà con không nên sử dụng một loại thuốc vì ruồi vàng sẽ dễ nhờn. Năm nay ruồi vàng không phát triển thành dịch như năm ngoái, nhưng xuất hiện quanh năm. Ruồi vàng bùng phát trong điều kiện thời tiết nóng ẩm và giảm dần mật số vào các tháng mùa lạnh. Với tốc độ sinh sản nhanh, thời gian sinh trưởng chỉ từ 5 - 7 ngày, ruồi vàng đẻ trứng và trực tiếp gây hại trên trái non làm trái rụng hàng loạt.

“Bà con không được chủ quan khi mật số ruồi vàng thấp. Cần áp dụng triệt để các giải pháp phòng trừ. Thời gian qua, Trạm BVTV đã triển khai nhiều cuộc tập huấn biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp từ đầu vụ, đặc biệt đối với ruồi vàng”, ông Nguyễn Hoàng Mỹ, Trưởng trạm BVTV huyện Thống Nhất cho biết.

Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam