Theo đó, tại xã Đăk Xú, Đăk Nông và thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi đã xuất hiện 4 trường hợp mắc bệnh viêm da nổi cục trên bò. Ngành thú y huyện Ngọc Hồi nhận định, các vùng có nguy cơ cao bị lây lan dịch bệnh là xã Pờ Y, Đăk Kan. Trong thời gian phát hiện dịch, ngành chức năng yêu cầu người dân tạm dừng tất cả các hoạt động mua bán, vận chuyển bò trên địa bàn; đồng thời, khẩn trương khoanh vùng, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Trong khi đó, xã Đăk La, Ngọc Wang, Hà Mòn và thị trấn Đăk Hà (huyện Đăk Hà) đã ghi nhận 70 con bò mắc bệnh viêm da nổi cục. Riêng trong ngày 20/6, xã Đăk La đã ghi nhận 14 con bò mắc mới.

Tỉnh Kon Tum đang bước vào đầu mùa mưa nên dịch bệnh rất dễ bùng phát và phát tán nhanh, nguy cơ lây lan nhanh trên diện rộng. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kon Tum khuyến cáo người dân không nên chăn thả rông trâu, bò; khi phát hiện các triệu chứng của bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò thì liên hệ ngay với ngành thú y địa phương để kịp thời xử lý; đồng thời, hướng dẫn, phân công cán bộ chuyên môn đến các ổ dịch, phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện và chính quyền địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên động vật...

Hiện, trong số 429 con bò mắc bệnh viêm da nổi cục, ngành thú y tại Kon Tum đã chữa khỏi cho 48 con, tiêu hủy 10 con với hơn 1.800 kg và tiếp tục chăm sóc cho 371 con bò còn lại. Thời gian tới, ngành chức năng tiếp tục theo dõi, nắm bắt tình hình dịch bệnh động vật và đôn đốc các địa phương đã xảy ra dịch triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống để xử lý dứt điểm các ổ dịch./.

TTXVN