Tại Lâm Đồng, bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện đầu tiên tại xã Liên Hiệp, huyện Đức Trọng, từ ngày 21/6/2019. Tính đến nay, bệnh đã xảy ra tại 1.823 hộ/389 thôn/83 xã, phường, thị trấn tại 10 huyện, thành phố trong tỉnh là: Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh, Đam Rông, Bảo Lộc, Bảo Lâm, Đạ Hoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên và thành phố Đà Lạt, với số lợn tiêu hủy gần 54 ngàn con (chiếm 15% tổng đàn lợn của tỉnh), ước tính thiệt hại lên đến 156 tỷ đồng. Hiện còn 02 địa phương là huyện Lạc Dương và Đơn Dương chưa phát hiện có lợn mắc bệnh và có 23 xã đã qua 30 ngày không phát sinh lợn mắc bệnh.

Theo các đại biểu đại diện lãnh đạo của 10 huyện, thành phố có dịch cho biết, dịch tả lợn châu Phi phát sinh trên diện rộng do 03 nguyên nhân chính, đó là: (1) Thời điểm giao mùa, biên độ nhiệt ngày đêm lớn làm sức đề kháng của lợn suy giảm và là điều kiện thuận lợi cho vi rút tồn tại, phát tán nên nguy cơ dịch lây lan là rất cao. (2) Một số hộ chăn nuôi sử dụng thức ăn công nghiệp, khi bị dịch phải tiêu hủy lợn thường trả lại thức ăn (cám công nghiệp) cho đại lý và nguồn thức ăn này được tiếp tục cung cấp cho các cơ sở chăn nuôi khác. Đây là một trong những nguyên nhân có thể lây lan dịch bệnh. (3) Việc giết mổ, tiêu thụ thịt lợn nhỏ lẻ tại các địa phương chưa qua kiểm soát vẫn còn xảy ra nên rất dễ lây lan nguồn dịch bệnh.

Bệnh dịch tả lợn châu Phi rất nguy hiểm, chưa có thuốc điều trị và chưa có vắc-xin phòng bệnh. Mặc dù từ khi phát hiện bệnh đến nay, các địa phương trong tỉnh đã tích cực phòng chống, hạn chế thấp nhất thiệt hại, đẩy mạnh tuyên truyền người dân không vứt xác ra sông suối, ao hồ, không làm ô nhiễm môi trường, làm giảm sự gia tăng dịch bệnh đáng kể. Nhưng do vi rút tồn tại được lâu ngoài môi trường, có sức đề kháng rất cao, đường truyền lây rất đa dạng và khó kiểm soát. Do đó, theo kết luận của đồng chí Phạm S, trong thời gian tới, các địa phương cần tập trung chỉ đạo thường xuyên và liên tục, cùng với đó, cần đẩy mạnh thực hiện 07 nhóm giải pháp sau:

Một là, Thường xuyên cập nhật thông tin, theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh để thông tin tuyên truyền cho Cơ quan Thú y cấp huyện, Thú y cơ sở và người chăn nuôi biết để chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh;

Hai là, Chuẩn bị đầy đủ hóa chất tiêu độc khử trùng, không chỉ phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi mà còn chủ động phòng chống các dịch hại trên cả gia súc, gia cầm khác;

Ba là, Tiếp tục triển khai tiêm phòng đợt II năm 2019 cho đàn gia súc, gia cầm và vệ sinh khử trùng tiêu độc phòng chống dịch theo Quyết định số 186/QĐ-UBND ngày 29/1/2019 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2019 trên địa bàn tỉnh. Các sở, ngành liên quan thực hiện Kế hoạch số 1520/KH-UBND ngày 20/3/2019 của UBND tỉnh để phối hợp với các địa phương, Sở Nông nghiệp và PTNT Lâm Đồng trong công tác phòng chống dịch;

Bốn là, Các địa phương tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, quyết liệt chỉ đạo, điều hành công tác phòng chống dịch. Chủ động thực hiện kế hoạch/phương án đã ban hành, không lúng túng, xử lý ổ dịch nhanh – gọn – dứt điểm, không bị động, không để dịch lây lan;

Năm là, Không khuyến khích tái đàn. Khuyến cáo người chăn nuôi chỉ tái đàn sau khi hết dịch 30 ngày và đã thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định. Khi tái đàn phải đảm bảo áp dụng theo quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, không thực hiện tái đàn ồ ạt khi chưa bảo đảm các điều kiện an toàn sinh học. Từng bước nuôi tái đàn với số lượng khoảng 10% tổng số lợn nuôi tại cơ sở;

Sáu là, Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ thiệt hại cho các hộ chăn nuôi có lợn mắc bệnh buộc tiêu hủy đúng theo quy định (đơn giá, nhân công tiêu hủy…). Bên cạnh đó, đề nghị Sở Tài Chính tiếp nhận kinh phí từ Trung ương hỗ trợ, sớm phân bổ kinh phí, hướng dẫn các địa phương chi hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi theo đúng quy định;

Bảy là, Tiếp tục quản lý chặt chẽ các chốt kiểm dịch động vật trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng để tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển lợn, sản phẩm lợn và các phương tiện ra vào vùng dịch.

Trên cơ sở chỉ đạo của đồng chí Phạm S, Sở Nông nghiệp và PTNT Lâm Đồng tiếp tục phối hợp với các huyện, thành phố tập trung theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh; kịp thời rà soát, điều chỉnh, bổ sung và tổ chức thực hiện quyết liệt công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi, đảm bảo phù hợp với tình hình cụ thể của từng địa phương; đồng thời khắc phục những khó khăn, tồn tại và rút kinh nghiệm để triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm ra các địa phương khác chưa có dịch./.

Văn Thọ

TT Khuyến nông Lâm Đồng