Thủ phủ cà chua Đơn Dương điêu đứng vì dịch bệnh (Ảnh minh họa)

Hơn hai tháng qua, dịch bệnh này hoành hành trở lại và nhanh chóng lan rộng trên ruộng đồng gây thiệt hại nặng cho nông dân.

Mất trắng cả vườn

Nằm trong “điểm nóng” về bệnh xoăn lá, vườn cà chua của gia đình ông Nguyễn Thanh Hải (thôn Krăng Gọ 2, xã Ka Đơn) bị bỏ lay lắt ngoài trời mặc kệ mưa nắng. Cây chưa kịp bung hoa thì lá đã dần chuyển vàng, nếu có quả thì cũng bị “sượng” hoặc hư hỏng không thể thu hoạch.

Nhổ một vài cây cà chua lá đã úa vàng quăn lại như lò xo, ông Hải thở dài nói: “Lần đầu tiên vườn cà của tôi bị như vậy, trồng lên chưa được thu hoạch lứa nào thì cây đã nhiễm bệnh. Nếu như những vụ trước vườn này có thể thu về được 64 triệu đồng còn năm nay tôi coi như thất thu hoàn toàn”.

Cạnh vườn ông Hải, khu vườn rộng 5.000m2 của gia đình ông Ya Ny (thôn Ka Đê, xã Ka Đơn) cũng bị bệnh xoăn lá tấn công. Đầu tư vốn liếng cho vườn cà chua, ông Ya Ny không nỡ nhổ bỏ mà đang cố chăm sóc để thu hoạch vớt vát. “Cả gia đình chỉ trông cậy vào vườn rau màu này và dồn hết vốn đầu tư vào đây mà giờ bị thiệt hại tới 70% khiến không biết xoay sở ra sao” - ông Ya Ny than thở.

Dịch bệnh xoăn lá trên cây cà chua bắt đầu xuất hiện từ tháng 7. Tuy nhiên, trong tháng 8 và nửa đầu tháng 9, bệnh hại bắt đầu bùng phát, lây lan mạnh mẽ từ vườn này sang vườn khác, gây thiệt hại lứa đang đợi thu hoạch và cả những vườn cây mới trồng.

Ông Nguyễn Văn Chính (thôn Krăng Gọ 2, xã Ka Đơn) cho biết, tuần lễ đầu mới trồng thì không có vấn đề gì. Nhưng sau 10 ngày, cây bắt đầu có biểu hiện bệnh ở một vài gốc, sau đó lan rộng ra cả vườn. Gia đình ông Chính mua đủ loại thuốc, tốn cả tiền triệu về bơm xịt nhưng cây vẫn không bệnh nên đành bỏ vườn.

Chưa có thuốc đặc trị

Huyện Đơn Dương là vùng trồng rau lớn nhất tỉnh Lâm Đồng với nông sản nổi bật là cà chua. Toàn huyện hiện có khoảng 2.000 ha cà chua, năng suất bình quân 50 tấn/ha, được trồng rộng rãi tại các xã, thị trấn.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp, huyện Đơn Dương hiện có 347 ha cà chua nhiễm bệnh xoăn lá mức độ nặng, gần 1.500 ha bị nhiễm trung bình và nhẹ; trong đó có 72 ha cà chua bị xoăn lá nặng buộc phải nhổ bỏ.

Diện tích mất trắng này tập trung chủ yếu trên địa bàn xã Ka Đơn, Tu Tra. Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đơn Dương Nguyễn Thị Bé nhận định, đây là trận dịch bệnh nặng nhất từ trước đến nay xảy ra tại địa phương và gây thiệt hại lớn cho người dân bởi khi vườn cà chua bị nhiễm bệnh thì trái bị sượng, không thể thu hoạch nổi.

Bệnh xoăn lá do một loại virus gây ra và bắt nguồn từ quá trình canh tác hoặc trong khâu ươm giống. Cơ chế để virus lây nhiễm từ cây bệnh sang cây khoẻ do côn trùng môi giới hoặc qua vết thương hở, tàn dư thực vật, chất dịch tiếp xúc của côn trùng chích hút.

Những năm trước bệnh xoăn lá đã xuất hiện trên cây cà chua nhưng diện tích bị nhiễm không nhiều. Đến năm nay bệnh hại này lại bùng phát dữ dội, lan nhanh trong các vườn cà chua của người dân.

Kỹ sư nông học Nguyễn Văn Lộc, Trưởng bộ phận trồng trọt và bảo vệ thực vật (Trung tâm Nông nghiệp huyện Đơn Dương) phân tích: "Sau khi bệnh xoăn lá bùng phát, huyện chúng tôi đã phối hợp với cơ quan chuyên môn lấy mẫu hạt giống, cây giống trong một vườn ươm để phân tích và kết quả không phát hiện virus nhiễm bệnh. Tuy nhiên, kết quả này chưa khẳng định được điều gì bởi thực tế trên địa bàn huyện còn hàng trăm vườn ươm khác nhau”.

Trước thực trạng bệnh xoăn lá hoành hành trong khi vẫn chưa có thuốc đặc trị hữu hiệu, ngành nông nghiệp huyện Đơn Dương khuyến cáo người dân sử dụng một số biện pháp phòng trừ như: thay đổi phương pháp canh tác, dựng nhà kính để ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập, nhổ bỏ và tiêu huỷ triệt để các vườn cây nhiễm bệnh…

Tuy nhiên, hiện nhiều nhà vườn vì tiếc rẻ nên chưa nhổ bỏ vườn cây nhiễm bệnh mà vẫn để chăm sóc nhằm mục đích thu hoạch “vớt”. Đây cũng là một mối nguy hạ

TTXVN