Toàn cảnh Hội nghị

Tại điểm cầu UBND tỉnh, Hội nghị đã nghe đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh thông tin khái quát về tình hình dịch bệnh tả lợn châu Phi diễn ra hiện nay tại một số địa phương trong cả nước và nhiệm vụ phòng chống dịch tả lợn châu Phi, tiếp đó là báo cáo đề dẫn của Sở NN&PTNT Lạng Sơn về tình hình dịch bệnh và các biện pháp triển khai phòng, chống dịch bệnh tả lợn châu Phi. 

Các điểm cầu: UBND huyện Hữu Lũng, UBND huyện Đình Lập, UBND huyện Bắc Sơn, UBND xã Quảng Lạc (thành phố Lạng Sơn) và UBND xã Tân Lập (huyện Hữu Lũng) là những nơi có địa bàn trọng yếu với mật độ giao thương cao hoặc tiếp giáp với các địa phương xuất hiện ổ dịch ngoài tỉnh đã lần lượt thông tin, báo cáo về công tác triển khai nhiệm vụ phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi ở địa phương. Ngoài ra, một số kinh nghiệm trong công tác quản lý bệnh dịch trong chăn nuôi lợn (800 con lợn nái) của Hợp tác xã Hợp Thịnh huyện Cao Lộc đã được Hội nghị đánh giá cao. 

Ngoài các điểm cầu trực tuyến, đại diện các ngành như Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh, Hội Nông dân tỉnh cũng đã đóng góp tham luận nhằm nâng cao hơn nữa công tác tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát tình hình lưu thông, mua bán, tiêu thụ lợn, thịt lợn và các sản phẩm động vật trong khu vực biên giới và các vùng trong nội địa.

Kết luận Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đánh giá cao hoạt động của các Ban, ngành của tỉnh, như công tác chủ động tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn chuyên ngành phòng, chống dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn; kịp thời thành lập các chốt kiểm soát chặt chẽ việc lưu thông qua lại trên địa bàn, nhất là tại các địa bàn trọng yếu của tỉnh; thực hiện tốt công tác thông tin, báo cáo về tình hình phòng, chống dịch bệnh; đã tăng cường thông tin tuyên truyền, cấp phát tờ rơi, tập huấn nâng cao năng lực phòng chống dịch bệnh trong nhân dân và các hộ chăn nuôi; tổ chức ký cam kết trong các hộ chăn nuôi về công tác phòng, chống dịch bệnh.v.v... Bên cạnh những kết quả đạt được, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ ra một số tồn tại hạn chế như một số nơi còn tư tưởng chủ quan, chưa thực sự quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Xác định Lạng Sơn là địa phương có nguy cơ cao bởi vị trí địa lý là nơi trung chuyển giao thương hàng hóa qua lại biên giới, đặc điểm chăn nuôi phổ biến nhỏ lẻ, phân tán trong nông hộ, nguồn cung lợn thịt tại chỗ mới đáp ứng khoảng 70%, còn lại nhập từ bên ngoài. Trước những đặc điểm nguy hiểm của dịch bệnh tả lợn châu Phi (chưa có vaccine phòng ngừa; tỷ lệ chết cao (100%) khi đàn lợn nhiễm bệnh; virus tồn lưu rất lâu trong môi trường...), đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Các ban, ngành và các địa phương trong tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh; xác định công tác phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi là công việc thường xuyên; các ngành tổ chức chặt chẽ, hiệu quả công tác phối hợp liên ngành trong việc thông tin tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát phòng, chống dịch bệnh; đối với tuyến cơ sở cần tăng cường công tác giám sát dịch bệnh tại cơ sở, phát huy vai trò của cán bộ cơ sở; toàn bộ các hộ chăn nuôi áp dụng chặt chẽ kỹ thuật chăn nuôi an toàn và được thông tin hướng dẫn phòng ngừa dịch bệnh; thực hiện tốt Tháng tiêu độc khử trùng; chủ động bố trí kinh phí từ nguồn dự phòng; thực hiện tốt chế độ thông tin, báo cáo về công tác phòng, chống dịch bệnh./.

Nguyễn Duy Hà

Trung tâm Khuyến nông Lạng Sơn