Thời tiết hiện nay đang chuyển mùa nên nhiệt độ giảm, không còn các đợt nóng, đêm và sáng se lạnh, ẩm độ cao rất thuận lợi cho các đối tượng sâu bệnh như: bệnh đạo ôn cổ bông, sâu đục thân, sâu cắn gié… phát sinh gây hại trên cây lúa. Đây là các đối tượng sâu bệnh đặc biệt nguy hại trong giai đoạn này của cây lúa. Đặc biệt đối với bệnh đạo ôn cổ bông phải áp dụng biện pháp phòng bệnh mới có hiệu quả, khi bệnh đã phát sinh thì biện pháp phun trừ hầu như không hiệu quả. Đối với sâu đục thân phải phun khi phát hiện ổ trứng, nếu sâu đã nở và có biểu hiện phá hại trên đồng ruộng thì phun trừ sâu cũng không còn hiệu quả.

Chính vì vậy, để chủ động phòng trừ và giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do sâu, bệnh hại gây ra, bảo vệ an toàn cho sản xuất lúa vụ mùa, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố:

- Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND các xã khẩn trương kiểm tra đồng ruộng, triển khai một số nội dung:

+ Đối với bệnh đạo ôn cổ bông: Khẩn trương phun thuốc phòng bệnh trên toàn bộ các diện tích cấy giống nhiễm như: BC 15, TBR 225, Séng cù, VL 20... và đặc biệt chú trọng đối với vùng thường xuyên bị bệnh đạo ôn cổ bông gây hại ở những vụ trước (vùng thường xuyên có sương mù, ẩm độ cao); sử dụng các hoạt chất Tricyclazole (Bamy 75WP, Beam 75 WP, Trizole 75WP…), hoạt chất Fenoxanil (Fendy 25WP, Katana 20SC, Sako 25WP…); hoạt chất Isoprothiolane (Fu- Army 40EC, Fuan 40EC, Vifusi 40EC…).

Thời điểm phun thuốc phòng bệnh đạo ôn cổ bông hiệu quả nhất là phun lần 1 khi lúa bắt đầu trỗ và phun nhắc lại lần 2 sau khi lúa đã trỗ xong bắt đầu ngậm sữa.

+ Đối với sâu đục thân: Tăng cường kiểm tra đồng ruộng, quan sát, phát hiện sớm trưởng thành (bướm) sâu đục thân hai chấm; khi phát hiện ổ trứng trên lá lúa mật độ từ 0,5 ổ/m2 trở lên, sau 3-5 ngày phải tổ chức phun phòng trừ ngay (nếu phun sau thời điểm này không có hiệu quả vì khi đó sâu non đã đục chui vào thân cây gây hại); sử dụng thuốc bảo vệ thực vật lưu dẫn và nội hấp mạnh như: Virtako 40WG, Boxing 99.99 EW,Voliam targo® 063SC,Neretox 95WP; Netoxin 90 WP, Sát trùng đan 95WP...

+ Đối với rầy: tăng cường điều tra phát hiện khi mật độ rầy từ 1500 con/m2 cần tổ chức phòng trừ, đặc biệt chú ý đến tỷ lệ rầy nâu. Nếu tỷ lệ rầy nâu cao cần phun khi mật độ khoảng 1000 con/m2; sử dụng một trong các loại thuốc như: Butyl 10WP, Cheestar 50WG, Chess 50WG, Actara 25WG, Vitagro 50EC…

+ Đối với sâu cắn gié: Tập trung kiểm tra các chân ruộng ven sông, khe, suối, ruộng bị lũ tràn qua... Kiểm tra kỹ lá và gốc lúa nhằm phát hiện vết sâu hại sớm khi sâu cắn gié mới phát sinh gây hại, khoanh vùng và sử dụng các loại thuốc có các hoạt chất Cypermethrin; Alpha Cypermethrin, Chlorfenapy như: SecSaigon 25EC, Sherpa 25EC, Bestox®5EC, Vifast 5EC, Fan-Extra 350SC... để phun trừ kịp thời.

+ Với các đối tượng sâu, bệnh hại khác: tăng cường công tác điều tra phát hiện, dự tính dự báo và chỉ đạo phòng trừ khi mật độ sâu, tỷ lệ bệnh đến ngưỡng gây hại kinh tế.

Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phát hiện sâu bệnh hại kịp thời

 

- Tăng cường chỉ đạo kiểm tra các hộ kinh doanh thuốc BVTV trên địa bàn nhằm đảm bảo cung ứng đúng chủng loại thuốc đặc trị sâu bệnh hại, nghiêm cấm việc bán kèm thuốc trừ bệnh với phân bón lá.

- Chỉ đạo Đài Phát thanh - TH huyện tăng cường thời lượng tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật phòng trừ sâu, bệnh hại lúa.

- Đối với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị chỉ đạo cán bộ, phối hợp chặt chẽ với cán bộ cơ sở tăng cường kiểm tra, phát hiện, tham mưu các biện pháp chỉ đạo phòng trừ kịp thời, hiệu quả; Phối hợp với cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền và hướng dẫn nông dân các biện pháp kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh hại kịp thời.

- Trung tâm Khuyến nông và dịch vụ nông nghiệp tỉnh: Phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật; UBND các huyện, thành phố tăng cường tuyên truyền hướng dẫn nhân dân áp dụng các biện pháp phòng trừ sâu, bệnh hại lúa.

Sở cũng đề nghị Hội Nông dân tỉnh tăng cường chỉ đạo các cấp hội tuyên truyền tới các hội viên về tình hình sâu bệnh hại và các biện pháp kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh hại trên cây lúa  vì đây là giai đoạn thiết yếu quyết định năng suất cây lúa.

Đặng Thương Thảo

Trung tâm Khuyến nông và DVNN Lào Cai