Mưa lớn đã khiến nước từ các khe, suối đột ngột dâng cao khiến nhiều diện tích ruộng lúa bị sạt lở, vùi lấp. Cụ thể, xã Tả Gia Khâu (Mường Khương) 0,2 ha; xã Lùng Cải (Bắc Hà) 0,35 ha; xã Xuân Giao (Bảo Thắng) 3,7 ha. Nước dâng khiến gần 30 ha lúa tại Mường Khương bị ngập úng; 0,8 ha rau màu tại xã Xuân Giao (Bảo Thắng) bị vùi lấp; nhiều diện tích ngô bị sạt lở, vùi lấp tại Lùng Cải (Bắc Hà); 0,6 ha ao cá tại xã Xuân Giao (Bảo Thắng) bị thiệt hại; 300 kg ngô, đậu tương của người dân xã Xuân Giao (Bảo Thắng) bị ngập nước.

Lúa của gia đình anh Thanh bị nảy mầm vì không kịp thu hoạch

Mường Khương là địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất trong đợt mưa kéo dài này. Bên cạnh những công trình công cộng như đường giao thông, trường học, nhiều diện tích lúa trong giai đoạn thu hoạch cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Vụ Xuân năm 2017, nông dân huyện Mường Khương gieo cấy hơn 400 ha lúa, chủ yếu tại các xã vùng thấp như Lùng Vai, Bản Lầu, Bản Xen… Lúa Xuân tại Mường Khương chủ yếu là lúa trà muộn nên đến cuối tháng 6, đầu tháng 7 mới cho thu hoạch. Tuy nhiên, năm nay thời tiết diễn biến phức tạp, xuất hiện mưa lớn kéo dài suốt thời điểm lúa Xuân chín rộ, nên việc thu hoạch gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, qua nhiều đợt mưa lớn, một số diện tích lúa bị ảnh hưởng bởi ngập úng, trong đó, hơn 19 ha đã có hiện tượng mọc mầm.

Cầm trên tay bông lúa đã nảy mầm, có hạt đã mọc xanh đến 2 lá, anh Lù Văn Thanh, thôn Na Hạ 2, xã Lùng Vai không giấu nổi xót xa: “Đợt vừa qua lũ lớn, nước ở suối dâng lên ngập một phần ruộng khiến lúa đổ rạp. Liên tục sau đó có mưa nên gia đình chưa thể thu hoạch, đến giờ thì lúa đã nảy mầm. Chỗ lúa này, nếu có thu hoạch cũng không sử dụng được nữa”.

Tương tự như anh Thanh, nhiều gia đình ở Lùng Vai, Bản Lầu có lúa chín vào thời điểm mưa nhiều không kịp thu hoạch. Có những diện tích lúa đã gặt, nhưng do thói quen ngả lúa ở ruộng để phơi cho ráo nước, liên tục gặp mưa khiến lúa dễ nảy mầm. Thấy lúa có dấu hiệu nảy mầm, người dân đã bất chấp thời tiết mưa nhiều để thu hoạch. Tuy nhiên, dù đã được mang về nhà, nhưng do không có biện pháp sấy khô kịp thời, lúa vẫn tiếp tục nảy mầm.

Diện tích lúa này đã gặt nhưng vẫn ngả ở ruộng, chưa thu về được do trời mưa

Trao đổi với phóng viên, ông Giang Trung Dũng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương nhận định: Năm nay, thời tiết nhiều diễn biến bất lợi, mưa lớn kéo dài nên lúa bị ảnh hưởng. Chúng tôi khuyến cáo người dân khẩn trương thu hoạch lúa với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, khắc phục điều kiện khó khăn để thu hoạch lúa về rồi dùng các biện pháp hong, sấy khô để hạn chế tình trạng lúa nảy mầm”.

Chị Nguyễn Thị Hà, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật khuyến cáo: Người dân huyện Mường Khương có tập quán cấy muộn, năm nay thời điểm thu hoạch lại gặp mưa nên sẽ có những diện tích lúa chín già, không kịp thu hoạch bị nảy mầm. Ngành trồng trọt đã có nhiều văn bản, nhiều cuộc họp để đôn đốc địa phương khẩn trương thu hoạch lúa, đẩy nhanh tiến độ mùa vụ. Diện tích lúa bị nảy mầm người dân nên thu hoạch luôn, không nên bỏ ở ruộng, thóc bị nảy mầm có thể tận dụng làm thức ăn chăn nuôi. Người dân cũng cần rút kinh nghiệm, đẩy nhanh tiến độ lúa vụ mùa để tránh gặp những điều kiện thời tiết bất lợi tương tự.

Theo báo Lào Cai