Cuộc họp có sự tham dự của đại diện Cục Thú y, Tổng cục Thủy sản, các nhà khoa học...

Dịch bệnh có xu hướng tăng

Sơ bộ về tình hình nuôi tôm nước lợ trong 3 tháng đầu năm 2015, Tổng cục Thủy sản cho biết: Từ đầu năm khi thời tiết chuyển mùa khô, nóng, người nuôi tôm bắt đầu đối mặt với nhiều khó khăn. Một số hộ vào vụ thả sớm đã thất bại. Bên cạnh những bất lợi về thời tiết, giá cả vật tư nuôi tôm tăng lên, trong khi tôm thẻ chân trắng (TTCT) nguyên liệu bán ra giảm giá nên làm giảm thu nhập cho người nuôi.

Theo Tổng cục Thủy sản, tính đến hết quý I/2015, các tỉnh ven biển Nam bộ đã thả tôm giống nuôi trên 506.000 ha, trong đó, tôm sú 491.000 ha, TTCT 15.000 ha. Trong khi đó, dịch bệnh có dấu hiệu gia tăng khiến người nuôi tôm thêm lo lắng.

Cục Thú y cho biết: Tính đến 25/3/2015, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại trên 2.244 ha. Trong đó, diện tích nuôi bán thâm canh và thâm canh bị thiệt hại hơn 1.082 ha, chiếm hơn 48%; diện tích nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến và tôm lúa thiệt hai trên 1.162 ha. Tôm bệnh đốm trắng tiếp tục diễn biến phức tạp trên diện rộng và sau đó là các bệnh hoại tử gan tụy cấp tính và một số bệnh khác.

Dịch bệnh đốm trắng hiện xảy ra ở 93 xã, 34 huyện thuộc 13 tỉnh, thành với trên 1.329 ha. Tôm nhiễm bệnh chết thường từ 12 -16 ngày sau khi thả.

Trong đó tôm sú bị thiệt hại nhiều nhất, chiếm trên 82% tổng diện tích bị bệnh đốm trắng, còn TTCT bị bệnh chiếm trên 17%. So với cùng kỳ năm trước (2014) tuy ít hơn 2.116 ha, song lại tăng hơn 691 ha so cùng kỳ năm 2013.

Cùng lúc, bệnh hoại tử gan tụy cấp xảy ra ở 92 xã, 25 huyện thuộc 10 tỉnh, thành phố với tổng diện tích hơn 306 ha.

Tuy chiếm diện tích ít, chỉ 0,059% tổng diện tích thả nuôi, nhưng nuôi tôm theo hình thức thâm canh và bán thâm canh bị thiệt hại tới 305 ha và chủ yếu trên TTCT 227 ha, chiếm hơn 74% trong tổng diện tích bị bệnh hoại tử gan tụy cấp. Tuy vậy so sánh mức độ thiệt hại còn thấp hơn cùng kỳ năm 2014 là 380 ha và thấp hơn năm 2013 là 51 ha.

Ở tỉnh Sóc Trăng có vùng nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh lớn nhất vùng ĐBSCL, trong 3 tháng đầu năm 2015 do thả nuôi ít, với 2.231 ha (ít hơn cùng kỳ 2014 là 4.866 ha) nên mức độ bị thiệt hại chỉ có 386 ha.

Trong khi so với cùng kỳ năm 2014 Sóc Trăng bị thiệt hại tới 2.643 ha. Hiện nay, trong tình hình thời tiết trong vùng tiếp tục nắng nóng, các cơ quan chuyên ngành thủy sản tại Sóc Trăng khuyến cáo nông dân không vào vụ thả tôm giống sớm để tránh thiệt hại.

Tìm biện pháp phòng dịch

Theo Cơ quan Thú y vùng VI, kết quả giám sát tác nhân gây bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp (AHPND/EMS) trong 63 ngày (từ 22/6 đến 24/8/2014) tại những địa điểm từng có lịch sử bệnh hoại tử gan tụy cấp trên tôm trong 2 năm (2012, 2013) ở Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng), Ninh Thuận, Bình Thuận, các nhà khoa học đã phát hiện Vibrio gây bệnh hoại tử gan tụy cấp; chưa phát hiện virus gây bệnh đốm trắng. Nước và thức ăn tươi sống như mực, hàu, dời… là yếu tố nguy cơ mang Vibrio gây bệnh hoại tử gan tụy cấp vào cơ sở giống, trong đó dời có tỷ lệ nhiễm cao nhất.

Trên cơ sở nghiên cứu, đề phòng dịch bệnh, Cơ quan Thú y vùng VI đề nghị đối với vùng nuôi con giống phải đảm bảo sạch bệnh trước khi thả nuôi. Môi trường, chất lượng nước khảo sát phải đạt yêu cầu trước khi thả nuôi, phải kiểm tra chất lượng nước nuôi thường xuyên để kịp thời có biện pháp điều chỉnh phù hợp. Giám sát Vibrio gây bệnh trong các chế phẩm sinh học và thức ăn được sử dụng trong quá trình nuôi. Đồng thời đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT sớm có quy định về xây dựng và công nhận cơ sở an toàn dịch bệnh đối với cơ sở sản xuất tôm giống.

Trong thời gian tới cần có nghiên cứu sâu hơn về nguồn thức ăn tươi sống bị nhiễm Vibrio gây bệnh hoại tử gan tụy cấp và xây dựng quy trình xử lý thức ăn tươi sống trước khi sử dụng để đảm bảo an toàn cho trại nuôi tôm giống....

Theo nongnghiep.vn