Gia đình anh Nguyễn Tứ Tư ở xã Nghi Liên, thành phố Vinh (Nghệ An) có hai con bò mắc bệnh viêm da nổi cục đã hơn 2 tuần qua khiến gia đình rất hoang mang, lo lắng. Theo anh Tư, khi con bò vừa sinh con có biểu hiện sốt, bỏ ăn, gầy, xuất hiện nốt sần, loét ở bụng, vai, vú, mép miệng… song không biết được đây là bệnh viêm da nổi cục, một bệnh khá mới trên đàn gia súc.

"Đây là lần đầu tiên thấy bò mắc bệnh viêm da nổi cục nên gia đình tôi rất lo lắng bởi đây cũng là tài sản lớn của gia đình. Ngay sau khi bò có biểu hiện của bệnh viêm da nổi cục, gia đình cũng thực hiện nghiêm việc không chăn thả bò tự do như trước; tiến hành rắc vôi bột, vệ sinh chuồng trại, diệt ruồi muỗi. Hiện do hiện bệnh viêm da nổi cục tại trâu bò chưa có thuốc đặc trị nên đang sử dụng thuốc nam để bôi và tắm cho bò bị bệnh", anh Tư nói.

Không riêng gì gia đình anh Tư, tính đến ngày 11/3, trên địa bàn xã Nghi Liên có 14 con bò tại 6 xóm của xã cũng có hiện tượng bệnh viêm da nổi u cục và bỏ ăn. Theo kết quả xét nghiệm của Trung tâm dịch vụ nông nghiệp thành phố Vinh, số gia súc trên của người dân xã Nghi Liên dương tính với bệnh viêm da nổi cục.

Tính đến ngày 11/3, trên địa bàn xã Nghi Liên có 14 con bò có hiện tượng bệnh viêm da nổi u cục và bỏ ăn

 

Ông Trần Đức Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Liên, thành phố Vinh (Nghệ An) cho biết, hiện xã Nghi Liên có 14 con trong tổng đàn trâu bò 650 con nhiễm bệnh viêm da nổi cục. Ngay sau khi phát hiện mầm bệnh tại một số bò ở một vài hộ dân, chính quyến địa phương đã báo cáo với cơ quan chức năng và khẩn trương các biện pháp dập dịch, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng.

Hiện khó khăn lớn nhất của địa phương là xã chỉ có chức danh công chức đô thị xây dựng kiêm nhiệm cán bộ thú y nên từ khi dịch xảy ra, xã khá lúng túng và thiếu sự tham mưu của cán bộ chuyên môn trong việc ngăn ngừa và phòng chống dịch. Bên cạnh đó, bệnh viêm da nổi cục tại trâu bò vẫn chưa có thuốc đặc trị, chính quyền địa phương cũng đã đề nghị UBND thành phố Vinh cấp vaccine phòng dịch.

Bệnh viêm da nổi cục (còn gọi là bệnh da sần trên trâu, bò) là bệnh truyền nhiễm do một loại virus thuộc họ Poxviridae gây ra. Virus này không lây nhiễm và gây bệnh trên người. Trâu bò nhiễm bệnh do các ký chủ trung gian (ruồi, muỗi, ve, mòng,…) lây truyền từ những gia súc bị bệnh sang gia súc khỏe trong quá trình vận chuyển; lây nhiễm trực tiếp trong quá trình chăn nuôi, giết mổ… trong khi đàn trâu bò tại Nghệ An chưa được tiêm phòng vaccine.

Tại Nghệ An, bệnh viêm da nổi cục xuất hiện đầu tiên tại xã Văn Lợi, huyện Quỳ Hợp ngày 11/12/2020. Đến nay đã có 10 ổ dịch với 76 trâu bò mắc bệnh, thuộc 6 huyện, thành phố gồm: Quỳ Hợp, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Anh Sơn, Nghĩa Đàn và thành phố Vinh; trong đó, có 2 con chết đã được tiêu hủy.

Ông Ngô Đức Quỳnh, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An cho biết, tại Nghệ An, bệnh viêm da nổi cục khó kiểm soát do tập quán chăn thả rông trâu, bò chung trên đồng cỏ làm gia súc bệnh và gia súc khỏe tiếp xúc trực tiếp. Nghệ An có tổng đàn trâu, bò lớn (hơn 750 nghìn con), nhưng chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ, các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh, sát trùng phòng bệnh còn hạn chế; địa bàn tỉnh có nhiều tuyến quốc lộ, lưu lượng buôn bán, vận chuyển trâu, bò đi qua nhiều; việc quản lý, kiểm soát giết mổ trâu, bò tại nhiều địa phương còn hạn chế; thời tiết chuyển mùa độ ẩm cao, sức đề kháng của vật nuôi giảm, thuận lợi cho các côn trùng phát triển, truyền lây phát tán mầm bệnh.

Để ngăn chặn kịp thời dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An kiến nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An trình UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí mua 28.000 liều vắc xin và 2.000 lít hóa chất để tiêm phòng và khử trùng phòng, chống dịch bệnh.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An khuyến cáo người dân cách ly những trâu bò bị nhiễm bệnh, chăm sóc tốt để tăng sức đề kháng và khả năng phục hồi; hướng dẫn người chăn nuôi chủ động giám sát gia súc, kịp thời phát hiện các trường hợp gia súc có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh để kịp thời báo cáo chính quyền, cơ quan thú y. Tạm thời đình chỉ việc vận chuyển, giết mổ, mua bán, tiêu thụ trâu bò trên địa bàn các xã xảy ra dịch bệnh cho đến khi khống chế được dịch theo quy định.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương hướng dẫn người dân thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại chăn nuôi và chăm sóc gia súc mắc bệnh; phân công cán bộ chuyên môn bám sát cơ sở để theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh; vệ sinh, tiêu độc khử trùng và tiêu diệt vật chủ trung gian truyền bệnh (ruồi, muỗi, côn trùng hút máu…) tại chuồng nuôi, khu vực chăn nuôi./.

TTXVN