1. Trên lúa

a) Các tỉnh phía Bắc

- Ốc bươu vàng tiếp tục gây hại tăng trên lúa giai đoạn bén rễ hồi xanh, đẻ nhánh tại khu vực gần ao hồ, đầm. Mức độ hại nhẹ đến trung bình.

- Chuột tiếp tục phát sinh, gây hại tăng trên lúa hè thu giai đoạn làm đòng, trỗ. Lúa mùa giai đoạn đẻ nhánh rộ đứng cái, hại nặng những vùng gần gò bãi, mương máng, khu vục gần làng, vùng có mật độ chuột cao chưa được phòng trừ.

- Sâu cuốn lá nhỏ: Trưởng thành tiếp tục vũ hóa và đẻ trứng; trứng nở, sâu non gây hại diện hẹp trên trà lúa sớm - chính vụ vào cuối tháng 8 đầu tháng 9. Cần theo dõi chặt chẽ diễn biến mật độ trưởng thành, trứng trên ruộng và có biện pháp phòng trừ kịp thời.

- Rầy nâu, rầy lưng trắng: Tiếp tục phát sinh tích lũy mật độ và gây hại trên lúa giai đoạn làm đòng - trỗ. Mức độ nhẹ đến trung bình, nặng cục bộ.

- Ngoài ra, theo dõi và phòng chống bệnh khô vằn, bệnh bạc lá... hại lúa hè thu, mùa sớm.

b) Các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên

- Rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh lem lép thối hạt, bệnh khô vằn... phát sinh gây hại nhẹ trên lúa xuân hè, hè thu sớm đòng trỗ - chắc xanh.

- Bọ trĩ, sâu keo, dòi đục nõn... phát sinh hại chủ yếu lúa hè thu giai đoạn mạ - đẻ nhánh.

- Chuột: Hại cục bộ lúa hè thu giai đoạn đẻ nhánh - làm đòng, tập trung vùng ven làng, đồi gò.

c) Các tỉnh phía Nam

- Rầy nâu trên đồng ruộng phổ biến tuổi 2 - 4, tuy nhiên trà lúa giai đoạn đòng trỗ có thể có nhiều lứa rầy gối nhau, nếu phòng trừ không tốt sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển của cây lúa. Các địa phương đang chuẩn bị xuống giống lúa thu đông - mùa 2015 cần tích cực chuẩn bị đất, theo dõi đợt rầy di trú vào 10 ngày đầu tháng 8 và tình hình khí tượng thủy văn để xuống giống né rầy đạt hiệu quả cao.

- Bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá xuất hiện rải rác giai đoạn đẻ nhánh - làm đòng. Khi phát hiện bệnh nhổ huỷ cây bị bệnh nếu bị nhiễm nhẹ, nếu bị bệnh nặng các địa phương cần tiến hành trục huỷ, tránh lây lan sang diện tích khác.

- Do thời tiết mưa nắng xen kẽ tạo ẩm độ không khí cao, dự báo trong 7 ngày tới bệnh đạo ôn có thể tiếp tục gia tăng tỷ lệ nhiễm trên trà lúa đẻ nhánh đến đòng trỗ. Cần lưu ý theo dõi để có biện pháp phòng trị kịp thời và phòng ngừa tốt bệnh đạo ôn cổ bông cho lúa giai đoạn trước và sau trỗ.

- Bệnh bạc lá (cháy bìa lá) có khả năng phát triển mạnh trên các trà lúa ở giai đoạn cuối đẻ nhánh đến trỗ, trong điều kiện thời tiết có mưa giông nhiều hoặc những nơi lúa bón thừa phân đạm, chú ý nhất là giống nhiễm như Jasmine, VD 20, C10, OM 2517, OM 4218, OM 6561... Khuyến cáo nông dân thăm đồng thường xuyên để sớm phát hiện bệnh và phòng trừ kịp thời.

- Ngoài ra, cần lưu ý ốc bươu vàng, sâu cuốn lá nhỏ ở giai đoạn mạ - đẻ nhánh, nhện gié, chuột giai đoạn lúa trỗ - chín.

2. Trên cây trồng khác

Cây ngô: Sâu bệnh tiếp tục gây hại mức độ nhẹ.

Cây sắn: Rệp sáp bột hồng tiếp tục gây hại.

Cây hồ tiêu: Tuyến trùng rễ, bệnh chết nhanh, chết chậm tiếp tục hại.

Cây thanh long: Bệnh đốm nâu gây hại có xu hướng tăng về diện tích nhiễm.

Cây nhãn: Bệnh chổi rồng tiếp tục gây hại ở các tỉnh ĐBSCL.

 Cục BVTV