Trại nấm của gia đình ông Phạm Ngọc Thơ, xóm 2, xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh là một trường hợp như vậy. Từ cuối tháng 7 âm lịch đến nay, ông Thơ đã vào 3 đợt nấm sò, mỗi đợt trên dưới 1.000 bịch nhưng không đợt nào được thu.

Ông Thơ cho biết: Làm nấm 20 năm nay nên mọi kỹ thuật trồng nấm ông đều nắm khá vững. Các công đoạn sản xuất, từ xử lý rơm rạ bằng nước vôi, ủ, đảo đống ủ, đóng bịch, cấy giống, ươm giống và rạch bịch đều được ông tiến hành hết sức tỉ mỉ, cẩn thận, đúng quy trình. Tuy nhiên, ông Thơ không hiểu tại sao năm nay, nấm sinh trưởng rất kém. “Các bịch nấm tôi trồng, sợi nấm đều đã ăn rộng, bám sâu đến tận đáy, trắng xóa nhưng quả thể (cây nấm) không ra hoặc ra rất ít. 2-3 tháng bỏ công chăm sóc rồi chi phí giống, túi cả chục triệu đồng mà chỉ thu hoạch được vẻn vẹn có vài cân nấm”, ông Thơ nói.

Tương tự như ông Thơ, hầu hết các xã viên của Hợp tác xã (HTX) Nấm Yên Nhân, huyện Yên Mô cũng đang rơi vào hoàn cảnh mất mùa, thất thu. Anh Nguyễn Quốc Thái, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nấm Yên Nhân cho hay: HTX có 15 thành viên với sản lượng nấm sản xuất ra hàng năm đạt khoảng 37-38 tấn. Tuy nhiên, vụ nấm thu đông năm nay, hầu hết các trại nấm đều mất mùa, sản lượng nấm giảm tới 60- 70%. Nguyên nhân chủ yếu là do thời tiết diễn biến thất thường, độ ẩm thay đổi đột ngột, nhiệt độ cao khiến ruồi giấm hại nấm phát triển và lây lan mạnh. Hiện nay, HTX đang đến từng hộ xã viên hướng dẫn bà con vệ sinh lán trại, sử dụng các biện pháp bao vây, tiêu diệt ruồi cũng như ngăn không cho ruồi xâm nhập, gây hại. Bên cạnh đó, vận động bà con chuẩn bị nguyên liệu, tiếp tục vào các đợt nấm mới, đảm bảo nguồn cung nấm ổn định cho thị trường dịp cuối năm.

Theo thông tin từ Hội ngành nghề nấm Ninh Bình, những năm gần đây, nghề trồng nấm đã đi vào chiều sâu, không làm ồ ạt, theo phong trào như trước. Toàn tỉnh còn khoảng 3.000 hộ trồng nấm (giảm khoảng 1.000 hộ so với thời điểm cao trào). Tuy nhiên, các hộ này đa phần đều sản xuất với quy mô lớn, chuyên nghiệp, có kinh nghiệm, có chuyên môn. Sản lượng nấm tươi toàn tỉnh sản xuất ra mỗi năm khoảng 4 nghìn tấn. Trong đó nấm sò, mộc nhĩ là những sản phẩm chủ đạo, chiếm khoảng 70- 80%, còn lại là nấm dược liệu.

Ông Phạm Quốc Hương, Chủ tịch Hội ngành nghề nấm Ninh Bình cho biết: Nghề trồng nấm nhiều năm qua đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều người dân trong tỉnh. Trung bình mỗi vụ nấm, bà con có thể thu lãi từ vài chục triệu, thậm chí cả trăm triệu đồng. Nhìn chung, thu nhập từ nấm khá ổn định, ít khi bị mất mùa hay dịch bệnh. Tuy nhiên, đặc thù năm nay, nấm sinh trưởng, phát triển rất kém, nhất là loại nấm sò. Hầu hết các hộ trồng nấm trên địa bàn tỉnh đều không đạt hiệu quả, năng suất thấp.

Ông Hương nhận định: Nguyên nhân là do thời tiết. Độ ẩm thay đổi đột ngột, có những ngày độ ẩm đang 80% lại đột ngột giảm xuống dưới 45%, người trồng nấm không để ý vẫn tưới theo quy trình sáng 1 lần, chiều 1 lần, thế là nấm bị héo, hỏng ngay lập tức. Bên cạnh đó, mùa đông năm nay rét muộn, đến thời điểm này nhiệt độ trung bình 25-270C, đây là điều kiện lý tưởng cho con ruồi giấm hại nấm sinh sôi, phát triển mạnh. Ruồi giấm đục khoét mô, đục khoét chân, mũ nấm để đẻ trứng. Đặc biệt, ấu trùng của ruồi (con giòi) ăn tơ, làm rối loạn sinh trưởng của nấm, gây chết hàng loạt nấm non.

Theo tìm hiểu của phóng viên, năm nay, không chỉ ở Ninh Bình mà hầu hết các tỉnh, người trồng nấm đều bị mất mùa. Nguồn cung nấm trên thị trường giảm đang đẩy giá nấm lên rất cao. Nếu như mọi năm, giá nấm sò chỉ dao động quanh mức 20 nghìn đồng/1kg thì hiện nay đã lên tới 35- 40 nghìn đồng/1kg mà cũng rất khó để tìm mua được.

Ông Nguyễn Quốc Hương, Chủ tịch Hội ngành nghề nấm Ninh Bình khuyến cáo: Người trồng nấm cần vệ sinh sạch sẽ khu vực trồng nấm, sử dụng vôi rắc kín toàn bộ nền trại, phun thuốc muỗi. Có thể dùng lưới, màn che kín để ngăn không cho ruồi giấm bay vào gây hại. Với các bịch nấm đã bị hỏng thì dỡ ra, ngâm ủ lại, tiếp tục trồng nấm sò hoặc chuyển sang làm các loại nấm khác. Để điều chỉnh độ ẩm, bà con cần để thiết bị đo độ ẩm trong lán nấm, theo dõi thường xuyên, liên tục, nếu thấy độ ẩm trên 90% thì dừng việc tưới nước, còn khi độ ẩm đột ngột giảm xuống thì phải tăng số lần tưới lên, có thể là 4-5 lần/ngày.

Theo Báo Ninh Bình