Tình trạng tôm chết gia tăng

Anh Đào Như Phúc, hộ nuôi tôm ở xóm 5, xã Kim Hải, huyện Kim Sơn cho biết, 2 ao tôm 2.000 m2 của anh thì một ao tôm được 25 ngày tuổi đã bị bệnh, ao kia nuôi được 65 ngày, tôm đang lớn nhanh, nhưng buộc phải thu hoạch sớm do tôm có biểu hiện rớt đáy. "Tôm chết nhanh lắm, chỉ có 1 ngày 1 đêm là hết. Hơn 13 triệu tiền giống với 11 vạn con giống, ngoài ra còn là điện, thức ăn rồi công sức bỏ ra. Giờ 2 ao nuôi rắc vôi bỏ không, chắc khoảng 2 tháng nữa mới dám thả" - anh Phúc chia sẻ.

Giống như anh Phúc, hộ gia đình anh Mai Huy Hùng, xóm 6, Kim Hải cũng có 2 ao nuôi có tôm bị chết. Anh Hùng cho biết: đầu vụ, tôm sống bình thường không có biểu hiện gì lạ, nhưng sau gần 2 tháng, mưa cộng với khí hậu thất thường, tôm nhảy liên tục lên mặt nước rồi yếu dần, lao vào bờ và chết hàng loạt, nhìn xót ruột lắm! May mắn là tôm đã lên được cỡ 100 con/1kg nên vẫn bán vớt vát được 5 tạ, giá 90 nghìn đồng/1kg, hoàn lại chút tiền giống.

Hiện gia đình anh Phúc còn giữ được 3 ao nữa, nhưng nắng nóng 40-41 độ C những ngày qua khiến tôm rất dễ mắc bệnh và chết. Lo lắng nhưng giờ anh chỉ biết tích cực thực hiện các biện pháp để tăng sức đề kháng cho tôm, bổ sung thêm khoáng chất và vitamin vào khẩu phần ăn; tăng mực nước trong ao, sục khí, quạt nước, bơm ôxy khô hoà tan.

Ông Đoàn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Hải cho biết: Thực hiện kế hoạch của UBND huyện Kim Sơn về sản xuất và nuôi trồng thuỷ sản năm 2017 tại vùng bãi bồi ven biển, UBND xã đã thành lập tổ công tác quản lý chất lượng con giống, tổ chức ký cam kết đối với các hộ gia đình, doanh nghiệp kinh doanh giống thủy sản trên địa bàn thực hiện đảm bảo con giống khi đưa vào địa bàn phải đạt chất lượng và đã qua kiểm dịch.

Ngoài ra, đầu vụ, xã còn phối hợp với Chi cục Thủy sản tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật quản lý, chăm sóc ao nuôi cho người dân. Nhìn chung, năm nay công tác cải tạo ao đầm được bà con thực hiện khá chu đáo.

Tính đến ngày 30/5, toàn xã đã có 485 hộ thả giống trên diện tích 283 ha với 24,8 triệu con giống. Trong đó, tôm sú là 17,6 triệu con, tôm thẻ 7,2 triệu con.

Giai đoạn đầu con nuôi phát triển tốt nhưng từ ngày 21/5 trở đi, một số diện tích ao có hiện tượng tôm chết rải rác. đến ngày 30/5 thì có 46 hộ xuất hiện hiện tượng tôm chết với diện tích trên 35 ha.

Được biết, trước hiện tượng tôm nuôi chết rải rác tại một số ao nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp & PTNT) đã tiến hành lấy mẫu tôm để xét nghiệm virus đốm trắng, kết quả 8/8 mẫu đều âm tính với loại virus này.

Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều hộ dân cũng như chính quyền các địa phương thì chỉ xét nghiệm một loại virus là chưa toàn diện. Việc không xác định được nguyên nhân có thể ảnh hưởng lớn đến hiệu quả nuôi tôm và phòng, chống dịch bệnh.

Bởi vì, không xác định được nguyên nhân thì không biết cách phòng trừ, nhất là nếu thực sự bị dịch bệnh mà không có giải pháp sẽ dẫn đến các loại mầm bệnh tiếp tục lưu hành trong ao nuôi, gây thiệt hại cho những vụ sau.

Do vậy, bà con mong muốn các ngành chức năng cần vào cuộc, tiếp tục tiến hành xét nghiệm với các loại virus khác như đầu vàng, taura, gan tuỵ …để sớm đưa ra kết luận cuối cùng.

Khuyến cáo từ cơ quan chức năng

Theo kỹ sư thuỷ sản Phạm Văn Hải, Trạm Thuỷ sản Yên Khánh – Kim Sơn, hiện nay thời tiết diễn biến phức tạp, nhiệt độ và các yếu tố môi trường diễn biến thất thường, nắng nóng, người nuôi tôm cần hết sức lưu ý.

Đối với những ao có tỷ lệ tôm chết cao trên 70%, cần kịp thời báo với cơ quan chức năng, đồng thời chủ động thu gom xác tôm chết đem chôn tại các hố cách xa ao nuôi, sử dụng Chlorrin, thuốc tím hoặc thuốc sát trùng để xử lý toàn bộ ao nuôi và khu vực xung quanh ít nhất là 7 ngày mới tháo nước ra ngoài vùng nuôi. Khẩn trương tận thu tôm đã đạt kích thước thương phẩm.

Sau khi tháo cạn ao phải cải tạo ao kỹ trước khi lấy nước vào nuôi tiếp, không nên tiếp tục thả nuôi tôm súc vì thời vụ không đảm bảo. Đối với các ao nuôi có hiện tượng tôm chết rải rác thì sử dụng viên sủi Vicato hoặc chất xử lý môi trường khác để xử lý giảm các độc tố môi trường.

Bổ sung nước cho ao, đảm bảo độ sâu từ 1,2 m trở lên; tăng cường các biện pháp gia tăng ôxy hoà tan cho ao nuôi. Sử dụng thức ăn đảm bảo đủ chất lượng, số lượng và phù hợp, bổ sung thêm khoáng và vitamin vào khẩu phần.

Các hộ có điều kiện có thể sử dụng lưới chống nắng để che trên mặt ao để giảm cường độ nắng xuống ao. Không sử dụng thuốc BVTV trên bờ gần khu nuôi hoặc xả chất thải chăn nuôi xuống ao.

Về phía Trạm Thuỷ sản Yên Khánh – Kim Sơn, các đợt cao điểm nắng nóng như hiện nay, đơn vị sẽ tăng cường lấy mẫu nước để xét nghiệm các chỉ tiêu ôxy hoà tan, độ mặn, NH3, độ kiềm, COD, H2S… và thông báo kết quả nhằm giúp cho bà con nắm rõ tình hình, tính toán thời gian và các biện pháp xử lý hiệu quả.

Sở Nông nghiệp & PTNT vừa qua cũng đã ra thông báo gửi UBND huyện Kim Sơn và các đơn vị có liên quan về việc tăng cường chỉ đạo quản lý vùng nuôi tôm nước lợ năm 2017. Theo đó, đề nghị UBND huyện Kim Sơn chỉ đạo các xã, thị trấn, đơn vị chức năng thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn các giải pháp kỹ thuật quản lý, chăm sóc ao nuôi. Phối hợp với Chi cục Thuỷ sản, Chi cục Chăn nuôi và Thú y kiểm tra, giám sát vùng nuôi, nguồn giống nhập vào địa bàn.

Quan trắc môi trường, dịch bệnh vùng nuôi. Xử lý các trường hợp vi phạm xả thải chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản chưa qua xử lý ra vùng nuôi. Khoanh vùng và xử lý triệt để các ao đầm nuôi có tôm chết được cơ quan chuyên môn xác định dương tính với các bệnh virus nguy hiểm như đốm trắng, đầu vàng, taura, gan tuỵ và hội chứng chết sớm.

Nguyễn Lựu