Chuối bị ngã đổ hàng loạt

Ông Phạm Nguyễn Văn Tính ở thôn 5, xã An Xuân trồng 3 ha chuối với đủ loại giống, từ chuối mốc địa phương đến giống lai như chuối nu, chuối dạ hương. Mấy năm trước ông bán chuối tết thu 30 triệu đồng/ha, nay chuối ngã đổ không còn một cây.

Ông Tính cho hay: “Đất vùng này có hàng trăm héc ta chuối bán tết, nhưng bão càn qua đã “hạ” ngã hết vườn chuối tết. Những năm trước vào dịp tết, giá chuối dao động từ 10.000 - 12.000 đồng/kg, một nải chuối thường gần 2 kg, còn một buồng chuối trung bình 10 nải bán từ 180.000 - 200.000 đồng. Riêng gia đình tôi, với 3 ha chuối ngã đổ, thất thu chuối mùa chuối tết năm nay trên 90 triệu đồng”.

Còn ông Trần Văn Tiến, ở thôn 3 (An Xuân) chia sẻ, cách đây 10 năm, ông lập gia đình nên ráng khai hoang trồng chuối rồi mua thêm đất của những người xung quanh, đến nay nhà ông có 2 ha chuối. Mấy năm trước, chuối phát triển tốt, hằng năm nhờ chuối mà ông có tiền chi tiêu trang trải cuộc sống gia đình, nuôi con ăn học. Thế nhưng, cơn bão số 12 vừa qua, cả vườn chuối của ông đổ ngã hàng loạt. Tết này không có chuối bán như mọi năm, chỉ còn sót lại số ít nằm ở khu vực dưới hố sâu, gió không “lọt” tới.

Đầu tháng 4 vừa qua, ông  Tiến “canh” trồng chuối tết, bỏ tiền triệu thuê công đào lỗ trồng cây, mua phân bón, thế rồi bão ập đến làm chuối đổ gãy. Theo kinh nghiệm của ông Tiến, để chuối ra buồng bán trúng dịp tết thì cứ tháng 4 bứng chuối con trồng, chăm sóc đến tháng Chạp thu hoạch. Bão số 12 đúng vào thời điểm chuối tết ra buồng, hàng ngàn cây chuối tết ra buồng non ngã đổ xuống đất làm người dân thất thu nặng.

Tại xã An Lĩnh, người dân chủ yếu thu nhập chính từ cây chuối bán trong dịp tết. Ở đây nhà ít nhất cũng có gần trăm cây chuối.

“Chuối là cây mang lại thu nhập chính, từ thân, bắp đến buồng chuối đều được nông dân tận thu bán. Riêng gia đình tôi trồng 2,5 ha thu nhập gần 70 triệu đồng/năm. Tuy nhiên sau bão số 12 đến nay trời mưa liên tiếp, cây chuối “mình nước” (thân mềm), rữa ra, cả vườn chuối hàng ngàn cây ngã không thu được bẹ nào”, bà Trần Thị Diệu, một người trồng chuối ở thôn Phong Thái (xã An Lĩnh) nói.

Vườn chuối bị đổ sau cơn bão số 12

Đầu tư trồng mới

Xã An Lĩnh có hơn 1.000 hộ dân ở 6 thôn, xóm, nằm rải rác lưng chừng đồi núi, chủ yếu sống dựa vào cây chuối. Sau bão số 12, người dân ra sức khôi phục sản xuất trồng vụ chuối mới, nhiều người đầu tư trồng chuối quy mô lớn để tăng thu nhập.

Vườn chuối của ông Nguyễn Văn Sơn ở thôn Phong Thái (An Lĩnh) rộng 3 ha. Khác với cách trồng truyền thống đào hố rồi trồng chuối con, ông Sơn thuê xe múc, đào hố trồng. Cách trồng này theo ông Sơn, từ khi trồng chuối con đến khi bén rễ ra lá non chỉ trong 7 - 10 ngày, còn trồng bình thường thì gần cả tháng sau chuối mới phát triển.

Mới đây, gia đình ông Trần Văn Tám ở thôn Vĩnh Xuân (An Lĩnh) đầu tư 10 triệu đồng trồng 2 ha chuối. Theo ông Tám, cây chuối khi trồng moi hố sâu rộng đất xốp, từ cây chuối mẹ đẻ ra nhiều cây chuối con, lớp chuối con sau này lâu lồi gốc (bụi chuối qua mỗi năm gốc cao dần) nên “ăn” được mấy mùa sau, buồng chuối lại sai nải, trái to. Vì vậy 1 ha chuối trồng theo cách truyền thống thu 30 triệu đồng, còn trồng theo cách này của ông thu 35 -40 triệu đồng/năm.

Trước đó bão số 12 làm ngã đổ 2,5 ha chuối của ông Tám, số còn lại bị gió “xé” rách lá, một số cây bị gió quật lỏng gốc. Sau khi thu dọn chuối ngã đổ, ông bứng chuối con trồng mới lại, nay đã ra lá non.

Theo phòng NN-PTNT huyện Tuy An, bão số 12 làm ngã đổ 700 ha chuối, tập trung tại xã An Xuân, An Lĩnh. Ông Cao Văn Tiên, Phó phòng NN&PTNT huyện Tuy An cho biết: Đất sản xuất ở đây chủ yếu là đất đá pha sạn cốm trên vùng gò đồi nên người dân lâu nay chỉ trồng cây chuối, hầu hết trồng bán dịp tết. Bão số 12 vừa qua, các vườn chuối bị ngã đổ, sau bão ngành nông nghiệp cùng với địa phương vận động nhân dân khôi phục sản xuất, có gia đình đầu tư trồng mới, có gia đình chờ lứa cây chuối con lớn, bón phân, chăm sóc tái tạo lại vườn chuối.

  Th.S Đặng Văn Mạnh, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Yên: Giải pháp khôi phục vườn chuối sau bão số 12, với những vườn chỉ bị rách lá, nghiêng cây (không bị gãy thân) thì nông dân khai rãnh ở mặt luống để nước thoát nhanh, giúp rễ mau thông thoáng hơn; dựng lại cây bị nghiêng, cắt tỉa lá bị gãy rách, khi đất đã se mặt, cần bón phân với liều lượng thích hợp đế kích thích cây hồi phục, mọc rễ mới. Đối với những vườn bị gãy thân chính, nông dân dọn và xử lý tàn dư cây gãy đổ, chọn 1 - 2 cây con khỏe nhất trong khóm để chăm sóc thành cây thay thế cây chính đã bị gãy đổ. Cung cấp các dưỡng chất qua lá (phân bón lá Yogen, Đầu Trâu...) để tăng cường khả năng hồi phục của cây. Khi đất se mặt bón phân với liều lượng thích hợp để tạo điều kiện cây con sinh trưởng khỏe.   

Mạnh Hoài Nam

Báo Phú Yên