Trong đó gần 200 ha lúa bị bệnh khô vằn với tỷ lệ 3-6%/dảnh lúa; rầy nâu và rầy lưng trắng hơn 205 ha với mật độ gây hại 50-360 con/m2, nhiều thì lên đến gần 500 con/m2 chủ yếu tập trung tại các xã An Ninh Tây, An Định, An Dân, An Thạch, An Cư,...

Trên các cánh đồng lúa, bà con nông dân cũng như ban ngành có liên quan đang tích cực, thường xuyên theo dõi để có biện pháp phòng chống kịp thời nhằm bảo vệ năng suất lúa cho đến khi thu hoach.

Bà con xã An Ninh Tây tích cực kiểm tra ruộng lúa

 

Gia đình bà Lê Thị Tâm ở thôn Hội Phú, xã An Ninh Tây có 2.000m2 diện tích đất trồng lúa đang vào giai đoạn làm đòng - trổ thì đều đã xuất hiện bệnh khô vằn và 1.000 m2 đang vào giai đoạn chín sữa thì cũng có rầy nâu và rầy lưng trắng gây hại.

Bà Tâm chia sẻ: "Vụ lúa Hè Thu năm nay do thời tiết nắng nóng kéo dài từ đầu năm tới nay chưa xuất hiện mưa lần nào cả nên sâu bệnh gây hại trên cây lúa nhiều. Bao năm làm lúa nhưng chưa bao giờ tôi chứng kiến bệnh khô vằn và rầy gây hại nhiều như năm nay làm tôi rất lo lắng".

Tuy nhiên, cũng theo bà Tâm nhờ sự tư vấn, hướng dẫn kịp thời của cán bộ Trạm Bảo vệ thực vật huyện, cán bộ khuyến nông hợp tác xã mà bà đã nhận biết được các loại sâu bệnh hại trên cây lúa nhất là bệnh khô vằn, rầy nâu, rầy lưng trắng để từ đó có biện pháp phòng trừ kịp thời.

Theo nhận định của Trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật thì bệnh khô vằn, rầy nâu và rầy lưng trắng hại lúa vụ Hè Thu 2020 xuất hiện là do bà con sạ dày, bón phân không cân đối, hợp lý cộng với thời tiết không thuận lợi, nắng nóng kéo dài. Bệnh xuất hiện gây ảnh hưởng đến năng suất và phẩm chất lúa gạo, nếu trường hợp nặng thì giảm năng suất đáng kể nên bà con cần chủ động thăm đồng và phát hiện sớm để phòng trừ hiệu quả.

Phan Chân Thuyên

Trạm Khuyến nông huyện Tuy An, Phú Yên