Mía khô héo

Tại xã Xuân Sơn Bắc (huyện Đồng Xuân), nhiều diện tích mía trồng ở vùng gò đồi khô héo, còn mía trồng ven sông thì không phát triển. Ông Bùi Văn Dũng ở xã Xuân Sơn Bắc, than vãn: “Tôi trồng 2 sào mía ở vùng gò đồi, nắng hạn khô trắng lá, sắp đến phải cày phá bỏ. Chưa năm nào tôi thấy nắng hạn làm cho mía khô héo chết nhiều như năm nay”.

Vùng gò đồi từ xã Đức Bình Đông, Đức Bình Tây, Ea Ly (huyện Sông Hinh), mía khô héo trải dài. Ông Lê Văn Sang, Phó chủ tịch UBND xã Đức Bình Đông cho hay: Toàn xã có 320ha mía, thường tháng 12 là khai trương vụ ép mới, thế nhưng do thời gian qua nắng nóng gay gắt, cây mía hiện cao không quá 1m nên sắp đến vùng này không có mía bán cho nhà máy.

Sơn Hòa là “thủ phủ” cây mía và mía là cây trồng chủ lực của người dân miền núi, nhưng nắng hạn làm cho cánh đồng mía xã Sơn Nguyên, Sơn Hà, Sơn Phước khô trắng. Ông Nguyễn Long, ở xã Sơn Nguyên cho hay: Nắng hạn làm cho người trồng mía “chết đứng” theo cây mía. Bởi bình quân, 1ha mía trồng mới, đầu tư cày bừa, giống, phân hết 30 triệu đồng, còn mía lưu gốc thì công cuốc cỏ, vãi phân đợt 1 hết 7 triệu đồng. Đến thời điểm này, mía tơ chết héo, mía lưu gốc rễ nhiều, có sức hơn nhưng bụi nào bụi nấy giống như bụi sả. Khả năng vụ mía mới này, nông dân không có mía bán cho nhà máy.

Mía trồng ở vùng gò đồi xã Xuân Sơn Bắc (huyện Đồng Xuân) bị khô héo do nắng hạn

Ông Phạm Đình Phụng, Phó chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa cho biết: Huyện Sơn Hòa có gần 13.000ha mía, phần lớn diện tích nhờ vào nước trời. Thế nhưng thời gian qua, không có mưa, nắng như đổ lửa, mía chết trải dài ở hầu hết các cánh đồng mía các xã trong huyện. Nhiều chân ruộng, tỷ lệ cây chết đến 70%. Thời điểm này nếu có mưa cũng không thể cứu vớt được, vì cây mía kiệt sức.

Nhà máy “đói” vùng nguyên liệu

Nhiều năm qua, cây mía góp phần rất lớn trong xóa đói, giảm nghèo ở các huyện miền núi Phú Yên. Thế mà nay, nông dân và cả nhà máy lại gặp khó bởi nắng hạn kéo dài.

Theo thống kê sơ bộ từ các địa phương, riêng vùng nguyên liệu mía của Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam, diện tích mía khô héo đã lên đến gần 2.000 ha. Đây là những diện tích không chủ động được nước tưới. Trung bình 1 ha mía, nhà máy đầu tư trước cho nông dân 10 triệu đồng. Nay mía chết, nông dân không có tiền trả nợ.

Ông Subbaiah - Tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam (có Nhà máy đường KCP Sơn Hòa, Đồng Xuân) cho biết: Nắng nóng diễn ra từ đầu vụ, có nông dân thu hoạch mía xong muốn đầu tư trồng lại nhưng nắng hạn không thể xuống giống cây trồng. Vì vậy vụ ép đến, lượng mía nhập về nhà máy giảm 50% so với các niên vụ trước đây. Trước tình hình nắng hạn, nông dân gặp khó thì nhà máy chia sẻ gánh nặng với nông dân. Theo đó Nhà máy có chính sách hỗ trợ cho nông dân, đối với nông dân quyết tâm trồng mía. Thời gian đến, Công ty TNHH Công nghiệp KCP tiếp tục có chính sách ưu đãi về giống, phân bón, đồng thời hỗ trợ đầu tư để mua sắm dụng cụ nông nghiệp nhưng không tính lãi như: máy bơm nước, giếng khoan, hệ thống tưới nhỏ giọt, hy vọng niên vụ 2020-2021, diện tích mía vùng nguyên liệu sẽ phục hồi.

Thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT Phú Yên, niên vụ mía 2019-2020, nông dân trong tỉnh trồng 23.609 ha, nắng hạn làm cho 2/3 diện tích mía bị đe dọa do không có nguồn nước tưới. Trước tình hình nắng hạn gay gắt, UBND tỉnh Phú Yên cũng đã có báo cáo kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan Trung ương xem xét hỗ trợ 16,7 tỉ đồng để triển khai chống hạn khôi phục sản xuất, như lắp đặt nhiều trạm bơm dã chiến, tận dụng tối đa những vị trí có nguồn nước bơm chống hạn.

Ông Nguyễn Trọng Lực, Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ Phú Yên cho biết: Phần lớn diện tích trồng mía ở Phú Yên ở trên đồi cao, canh tác chỉ dựa vào nước trời, trong khi biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, lượng mưa thấp ảnh hướng đến năng suất và chất lượng mía. Ở những vùng có điều kiện thuận lợi áp dụng biện pháp thâm canh như phân bón, tưới nước để tăng năng suất nhưng người dân canh tác theo tập quán sản xuất truyền thống nên năng suất chưa cao. Mức độ cơ giới hóa trong sản xuất như khâu làm đất đạt 95,3%, tưới nước 12,8%... Thời gian đến, tập trung tâm canh mía có tưới nước bằng kỹ thuật tưới tiết kiệm nước, tưới nhỏ giọt. Đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất từ khâu làm đất, trồng, bón phân, chăm sóc; đồng thời ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác thâm canh cây mía.

Mạnh Hoài Nam