Theo thông tin từ Chi cục Thú y vùng III, đến cuối tháng 2/2021, bệnh VDNC trên trâu, bò đã xuất hiện tại 38 xã/phường thuộc 10 huyện/thị của 4 tỉnh trong vùng Bắc Trung bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Trị) làm 597 con trâu, bò mắc bệnh và 42 con trâu bò bị chết.

Tại Quảng Bình, từ ngày 8/2/2021 đến 9/3/2021, bệnh VDNC đã xảy ra tại 53 hộ/3 xã ở các huyện Quảng Trạch và Tuyên Hóa, làm 126 con trâu, bò mắc bệnh.

Bệnh viêm da nổi cục trên bò

 

Theo ông Tưởng Chí Thành, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quảng Trạch, ngay sau khi có thông tin xuất hiện bệnh VDNC trên trâu, bò tại xã Quảng Hợp, Trung tâm đã lấy mẫu xét nghiệm và tiến hành triển khai các biện pháp tiêu độc khử trùng cần thiết trong phòng, chống dịch.

Trung tâm đã phối hợp với địa phương phun 50 lít hóa chất tiêu độc khử trùng tại các thôn có dịch và các vùng lân cận; cắm các biển báo vùng có dịch tại các thôn Bưởi Rỏi, Thanh Xuân và Hợp Bàn (xã Quảng Hợp) để ngăn chặn tình trạng vận chuyển động vật ra vào vùng dịch. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng phối hợp với các cơ quan chức năng chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển gia súc không rõ nguồn gốc vào địa bàn để ngăn chặn các loại bệnh dịch xuất hiện, bùng phát và lây lan trên diện rộng; tăng cường công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin cho người dân phòng, chống dịch bệnh…

Để chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh VDNC, UBND tỉnh đã có công văn yêu cầu các sở, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện các biện pháp, kịch bản phòng, chống dịch bệnh theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh. Các địa phương phải kiên quyết xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để dịch kéo dài, lây lan.

Sở Nông Nghiệp và PTNT tỉnh liên tiếp ban hành các văn bản về tăng cường các biện pháp phòng, chống, ngăn chặn dịch bệnh. Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã thành lập đoàn công tác trực tiếp kiểm tra thực tế và hướng dẫn các địa phương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

Ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, toàn tỉnh hiện có gần 142.000 con trâu, bò. Nhiều người dân trên địa bàn tỉnh phát triển chăn nuôi trâu, bò hàng hóa theo hướng trang trại, gia trại, mang lại thu nhập cao. Vì vậy, nếu trâu, bò bị mắc bệnh sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế của người dân. Hiện, ngành chức năng đang phối hợp chặt chẽ với các địa phương tập trung triển khai các giải pháp khoanh vùng, ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Lực lượng chức năng phun tiêu độc khử trùng chuồng trại tại các thôn có trâu, bò mắc bệnh VDNC trên địa bàn xã Quảng Hợp (QuảngTrạch)

 

Thời tiết diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sức khỏe, sức đề kháng của vật nuôi khiến trâu, bò càng dễ mắc bệnh VDNC. Vì vậy, các cấp, ngành cần tiếp tục thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch bệnh VDNC trên trâu, bò theo chỉ đạo của tỉnh và hướng dẫn của ngành chức năng. Trong đó, cần tập trung tổng vệ sinh, phun tiêu độc khử trùng tại các hộ chăn nuôi có gia súc biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh, toàn bộ các vùng có nguy cơ cao; khoanh vùng dịch, xã có dịch và lập chốt tạm thời để kiểm soát việc vận chuyển trâu, bò ra vào vùng có dịch…

Để giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh VDNC phát sinh và lây lan trên địa bàn tỉnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y khuyến cáo: Người chăn nuôi nên nhập trâu, bò giống từ những nơi đáng tin cậy; trâu, bò mới nhập cần kiểm tra, cách ly theo dõi trong vòng 28 ngày mới cho nhập đàn; thường xuyên phát quang cây cối, khơi thông cống rãnh thoát nước xung quanh khu vực chăn nuôi, định kỳ sử dụng thuốc diệt côn trùng để tiêu diệt muỗi, ruồi, ve…; tăng cường kiểm tra, theo dõi sức khỏe đàn trâu, bò, kịp thời báo cáo chính quyền, cơ quan thú y địa phương khi phát hiện trâu bò mắc bệnh, nghi mắc bệnh VDNC…

Thùy Trang

Trung tâm Khuyến nông Quảng Bình