Theo dự báo, nếu không có mưa trong khoảng 10 ngày tới thì nguy cơ mất trắng ở một số diện tích sản xuất nông nghiệp là rất cao. Hiện tại, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi và chính quyền địa phương đang tích cực thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm đối phó với hạn hán để cứu lúa…

Trên 1.050 ha lúa bị ảnh hưởng nặng

Vụ Hè Thu năm nay, huyện Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình) thực hiện gieo cấy trên 3.000 ha lúa và trên 2.000 ha ngô, khoai, sắn, đậu, rau các loại. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, đã có gần 2.000 ha lúa và cây trồng thiếu nước tưới trầm trọng; trong đó có 700 ha lúa trà chính vụ, trà muộn bị ảnh hưởng nặng, chủ yếu tập trung tại các xã Quảng Phương, Quảng Thạch, Quảng Lưu, Quảng Tiến… Tuyến kênh Kênh Kịa dài hơn 15 km có nhiệm vụ tiêu lũ và tích nước phục vụ gieo cấy vụ Hè Thu cho các địa phương trong huyện Quảng Trạch cũng đã cạn khô, nứt toác nên không thể cứu hạn cho đồng ruộng.

Là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, xã Quảng Phương có gần 300/480 ha lúa Hè Thu thiếu nước tưới. Trên cánh đồng thôn Tô Xá rộng hàng chục héc-ta, trải trước mắt chúng tôi là cảnh ruộng khô nứt nẻ, cây lúa xém vàng. Gia đình ông Phùng Văn Viên (xã Quảng Phương) có 6 sào ruộng bị thiếu nước từ hơn tháng nay. Ra thăm lúa, ông xót xa: Nếu thêm tuần nữa mà trời không có mưa thì lúa sẽ chết khô hết. Muốn có nước về để cứu lúa, mà lực bất tòng tâm, vì trời khô hạn, nước ở các hồ nhỏ trong vùng cũng không có được mấy. So với mọi năm thì năm nay tình hình khô hạn quá nghiêm trọng.

Còn xã Quảng Lưu lâu nay sản xuất nông nghiệp chủ yếu phụ thuộc vào nguồn nước từ hồ Trung Thuần và 3 hồ nhỏ trên địa bàn. Nhưng năm nay, do hạn nặng, mực nước các hồ đều xuống rất thấp. Bà con thực hiện gieo cấy gần 40 ha và không có đủ nước tưới nên toàn bộ diện tích đã lâm vào cảnh khô hạn nặng. Theo ông Hồ Thăng Long, Chủ tịch UBND xã Quảng Lưu, những ngày này, xã đã tổ chức vận động một số thôn tận dụng nguồn nước ao hồ, kênh mương để cứu lúa. Tuy nhiên, cả tháng nay nước hồ cạn thấp nên không thể có nước vào ruộng. Nguy cơ lúa cháy hạn không có sản lượng là rất cao.

Cũng là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề do tình hình khô hạn, thôn Long Đại, xã Hiền Ninh (huyện Quảng Ninh) càng cám cảnh hơn. Theo chân ông Trần Ngọc Sỹ, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Long Đại ra đồng dưới nắng gắt, mới thấy hết sức khắc nghiệt của nắng hạn. Cánh đồng gần 100 ha chuyển một màu vàng cháy. Những vạt rau thiếu nước úa vàng, héo rũ; những dây mướp, dây dưa xác xơ, lá héo quắt… Theo ông Nguyễn Ngọc Sỹ, nguồn nước tưới của cánh đồng này chủ yếu dựa vào 3 hồ nhỏ là là hốc Tré, đê Trởm và đê Lùm Pheo. Thông thường, vụ Đông Xuân hàng năm, 94 ha lúa của thôn đều sản xuất được, còn vụ Hè Thu do thiếu nước nên cơ cấu đưa vào khoảng 20 ha gieo cấy lúa và 15 ha chuyển đổi sang trồng màu, chủ yếu là mướp đắng, dưa hấu, dưa lê, dưa bở… Tuy nhiên, năm nay, ngay từ vụ Đông Xuân 2018-2019, do thiếu nước tưới, chỉ có 17/94 ha có thể sản xuất, còn lại 77 ha bà con làm đất xong rồi bỏ hoang. Đến vụ Hè Thu thì càng nghiêm trọng, vì toàn bộ 20 ha lúa Hè Thu đều không thể sản xuất, hơn 15 ha chuyển đổi cũng chỉ thực hiện được chừng 2,5 ha cho các loại dưa, rau màu, mà hiệu quả kinh tế cũng bấp bênh do nguồn nước tưới không đảm bảo.

 

Nhiều diện tích lúa ở xã Quảng Thạch (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) bị ảnh hưởng nặng do  thiếu nước tưới

 

Số liệu thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho thấy, đến thời điểm này, riêng lúa Hè Thu đã có 1.050 ha bị ảnh hưởng nặng, nguy cơ cao ảnh hưởng đến năng suất. Trong đó, huyện Quảng Trạch 700 ha, TX Ba Đồn 200 ha, huyện Bố Trạch 86 ha, TP. Đồng Hới 43 ha và huyện Quảng Ninh 25 ha. Tuy nhiên, nếu thời tiết nắng nóng, khô hạn còn kéo dài, diện tích lúa và cây màu thiếu nước tưới sẽ còn tăng lên tại các địa phương.

Căng mình chống hạn

Ông Trần Hồng Quảng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Bình cho biết, hiện tại, chỉ có 3/17 hồ chứa do đơn vị quản lý đạt dung tích thiết kế, là hồ Vực Tròn, Sông Thai và Thanh Sơn; 14 hồ còn lại dung tích chỉ đạt từ 40-50%. Trong thời thiết bình thường, qua cân đối lượng nước đủ đảm bảo cho sản xuất vụ Đông Xuân, còn vụ Hè Thu 2019 dự kiến không phục vụ được cho trên 2.630 ha. Thực tế, do nắng nóng đến sớm và kéo dài, nhiều nơi nhiều tháng không có mưa nên đã xảy ra hán hán cục bộ ở một số nơi, phần lớn hồ đập nhỏ do địa phương quản lý đã cạn nước.

Huyện Quảng Trạch có 3 hồ chứa nước lớn là Vực Tròn (Quảng Châu), Tiên Lang (Quảng Liên) và Trung Thuần (Quảng Thạch). Đây là những công trình thủy lợi quan trọng phục vụ nước tưới tiêu cho nông nghiệp các xã trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, ngoài hồ Vực Tròn hiện còn đủ khả năng tưới cho các xã vùng Roòn thì hồ Tiên Lang, Trung Thuần mực nước chỉ đạt 10-15% dung tích và không thể cung cấp đủ nước tưới cho vụ Hè Thu của các xã vùng Trung và phía Tây của huyện. Tuyến kênh Kênh Kịa chạy xuyên qua trung tâm huyện Quảng Trạch dài trên 10 km vốn có nhiệm vụ thoát lũ và tích nước hồi quy của các hồ lớn để phục vụ các trạm bơm tưới cho các xã vùng giữa bây giờ cũng khô cạn đáy và nứt nẻ.

Để giúp người dân đối phó với tình trạng khô hạn, nhất là để phục vụ sản xuất hè thu, từ đầu vụ đến nay, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi đã khẩn trương và gấp rút việc triển khai chống hạn, trong đó tập trung giải pháp tưới hợp lý và tiết kiệm tối đa nguồn nước. Tại các huyện phía Bắc của tỉnh, Công ty đã triển khai 7 cụm bơm, với 12 máy bơm dã chiến để đưa nước vào hệ thống kênh chính dẫn về ruộng.

Ông Nguyễn Viết Sỹ, Trưởng Chi nhánh thủy nông huyện Bố Trạch chia sẻ: Trước tình hình bất lợi của thời tiết, đơn vị đã thống nhất với UBND các huyện, địa phương kế hoạch cho công tác chống hạn. Hiện tại, chi nhánh đang quản lý 5 hồ, do lượng mưa năm nay chỉ đạt 1/3 so với bình thường mọi năm nên dung tích nước các hồ chỉ đạt trên dưới 20%. Vì vậy, chi nhánh đang tích cực khai thác các luồng, lạch, hói, ao, hồ… để tận dụng lượng nước tại chỗ, bơm chống hạn cho bà con. Tại cụm trạm bơm dã chiến cầu Đồng Cửa (xã Bắc Trạch), 2 máy bơm liên tục thay nhau bơm nước từ hói Bờ Rào xả vào tuyến kênh chính chảy về vùng đồng 260 ha của xã Bắc Trạch. Ngoài ra, nhiều cụm bơm dã chiến ở cầu máng Sơn Vạn, cầu máng Vực Ngọc, hói Sác Rộc, cụm bơm Rào Sau… đang vận hành hết công suất để đưa nước từ các hói, đầm, lạch… vào các tuyến kênh chính.

Ông Phan Văn Khoa, Giám đốc Sở Nông nghiệp – PTNT cho biết, ngay từ đầu vụ Hè Thu, Sở Nông nghiệp – PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương, ngành chức năng tăng cường các giải pháp tích trữ nước chống hạn, xâm nhập mặn, tích cực dùng các cụm bơm dã chiến, tận dụng nước của ao hồ, sống suối tự nhiên để bơm tưới và phải có biện pháp điều tiết nước cho từng đợt tưới, đảm bảo hiệu quả trong sử dụng nguồn nước. Ngành Nông nghiệp cũng khuyến khích giải pháp chuyển đổi cây trồng đối với một số diện tích không đảm bảo được nguồn nước tưới từ lúa sang các loại cây trồng có thể chịu hạn tốt như lạc, đậu, khoai lang… Hiện tại, Sở cũng đang tham mưu tỉnh xin kinh phí hỗ trợ chống hạn, giống vật nuôi chống chịu hạn cho bà con, nhằm giảm thiếu tối đa tác động của hạn hán, biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp tại địa phương

                                                                                                Ngọc Lan

Trung tâm Khuyến nông Quảng Bình