Diện tích lúa trổ toàn tỉnh ước khoảng 12.000ha/29.900 ha. Trong thời gian qua, trời nắng ấm xen kẽ có mưa tạo điều kiện cho rầy nâu, rầy lưng trắng phát sinh gây hại trên diện rộng. Đặc biệt rầy lứa 4 đang phát sinh với mật độ cao, nguy cơ gây thiệt hại là rất lớn.

Theo kết quả điều tra của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT và BVTV) Quảng Bình, tính đến nay, toàn tỉnh, diện tích nhiễm rầy nâu, rầy lưng trắng (gọi chung là rầy) trên 1.000 ha. Đặc biệt, ở huyện  Bố Trạch có 315 ha ở các xã Liên Trạch, Hưng Trạch, Cự Nẫm... Huyện Lệ Thủy có 300 ha ở các xã Mai Thủy, Phú Thủy, Hoa Thủy... Huyện Quảng Trạch 225 ha ở các xã Quảng Phương, Quảng Lưu, Quảng Trường, Quảng Liên... Huyện Quảng Ninh 125 ha, thị xã Ba Đồn 110 ha, thành phố Đồng Hới 78 ha, huyện Tuyên Hóa 68 ha, huyện Minh Hóa 6 ha. Mật độ phổ biến 800 - 1.000 con/m2, nơi cao 2.000 - 3.000 con/m2, cục bộ 7.000 - 10.000 con/m2 gây cháy chòm ở Quảng Trạch, Lệ Thủy, Bố Trạch...

Để chủ động phòng trừ rầy có hiệu quả, Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Bình đã có công văn đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tổ chức triển khai kịp thời công tác phòng trừ rầy hại lúa; đôn đốc các phòng ban liên quan tăng cường bám sát cơ sở chỉ đạo các địa phương hướng dẫn nông dân điều tra, phát hiện sớm và chỉ đạo phòng trừ rầy kịp thời.

Khi dự tính, dự báo khả năng rầy phát sinh có chiều hướng gia tăng, Chi cục TT và BVTV đã cảnh báo, thông báo hướng dẫn các biện pháp phòng trừ, đồng thời tăng cường cán bộ kỹ thuật phối hợp với các địa phương chỉ đạo nông dân. Một số diện tích lúa đã được phòng trừ có hiệu quả. Tuy nhiên, nhiều địa phương chỉ đạo thiếu quyết liệt, nông dân chủ quan, triển khai phòng trừ quá chậm, không đúng kỹ thuật, như: lượng nước thuốc không bảo đảm, không phun trực tiếp vào gốc lúa nơi rầy tập trung cư trú... Đặc biệt, nhiều hộ nông dân khi thấy lúa đã bị rầy ép vàng mới phòng trừ, nên hiệu quả không cao.

Tại huyện Bố Trạch, trong những ngày vừa qua, cán bộ Trạm TT và BVTV, Phòng Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với cán bộ các xã có rầy gây hại nặng, như: Liên Trạch, Hưng Trạch, Cự Nẫm..., khẩn trương chỉ đạo bà con phòng trừ rầy. Nhiều nông dân đã tích cực phun trừ, các ổ rầy đã được khống chế. Những diện tích có mật độ rầy cao đã được phòng trừ có hiệu quả. Một số hộ nông dân điển hình phun trừ rầy tốt ở thôn Tây Giang, xã Hưng Trạch, như: ông Lê Văn Thống, Phan Văn Tiêm, Trần Văn Kỳ... Tuy nhiên, vẫn còn nhiều diện tích lúa bị nhiễm rầy chưa được phòng trừ, có nguy cơ bị cháy trong thời gian tới.

Cũng như huyện Bố Trạch, tại huyện Quảng Trạch, nhiều cán bộ xã đã nhiệt tình phối hợp với cán bộ bảo vệ thực vật chỉ đạo nông dân phòng trừ. Diện tích lúa đã được phòng trừ  rầy tại xã Quảng Phương khoảng 30 ha, Quảng Trường 10 ha, những xã còn lại khoảng 15 ha. Đối với xã Quảng Liên, rầy gây hại với mật độ cao, mặc dù đã được thông báo, hướng dẫn các biện pháp phòng trừ, tuy nhiên nông dân chủ quan chưa thực hiện do chưa thấy lúa bị ép vàng, cháy.

Ông Đoàn Thanh Hùng, Trưởng phòng Bảo vệ thực vật, Chi cục TT và BVTV cho biết, trong thời gian tới, rầy sẽ tiếp tục lây lan trên diện rộng và nguy cơ gây hại nặng. Vì vậy, nông dân phải thường xuyên thăm đồng phát hiện sớm để chủ động phòng trừ có hiệu quả, sử dụng một trong các loại thuốc sau: Map Arrow 420WP, Chess 50WG, Victory 585EC. Bà con cần sử dụng đúng loại thuốc như hướng dẫn, nồng độ và liều lượng theo khuyến cáo trên nhãn mác, bao bì của nhà sản xuất; phun thuốc sát gốc lúa nơi rầy tập trung cư trú, phun vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát để đạt hiệu quả cao.

Rầy dễ phát sinh thành dịch trên diện rộng và gây hại lớn đến năng suất, sản lượng lúa nếu công tác điều tra phát hiện chỉ đạo phòng trừ thiếu kịp thời. Để bảo đảm an toàn mùa màng, bà con phải tăng cường kiểm tra đồng ruộng phát hiện sớm rầy nâu, rầy lưng trắng, triển khai phòng trừ có hiệu quả.

Võ Đại Chung

Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Quảng Bình