Do điều kiện thời tiết thuận lợi, hiện tại, một số diện tích lúa tại các địa phương trong tỉnh đã xuất hiện một số đối tượng sâu bệnh gây hại rải rác. Cụ thể, diện tích lúa bị ốc bươu vàng 266 ha, tập trung chủ yếu ở huyện Quảng Ninh 150 ha, Ba Đồn 85 ha, Lệ Thủy 10 ha, Đồng Hới 15 ha, Tuyên Hóa 6 ha; mật độ phổ biến 5-7 con/m2, nơi cao 10 - 15 con/m2, cục bộ 50-60 con/m2.

Diện tích bị nhiễm rầy lưng trắng gần 303 ha, tăng so với tuần trước 243ha; tập trung tại các huyện Quảng Ninh 150 ha, Lệ Thủy 70 ha, Quảng Trạch 25 ha, Ba Đồn 25 ha, Đồng Hới 20 ha, Bố Trạch 10 ha; mật độ phổ biến 30-50 con/m2, nơi cao 200-300 con/m2, các xã Quảng Xuân, Quảng Phương (huyện Quảng Trạch) nhiễm cục bộ 1.000 -2.000 con/m2; chủ yếu là rầy cám và rầy trưởng thành.

Diện tích lúa nhiễm sâu cuốn lá nhỏ trên 180 ha, chủ yếu tại Ba Đồn 75 ha, Quảng Ninh 65 ha, Quảng Trạch 26 ha, Lệ Thủy 15 ha; mật độ phổ biến 3 - 5 con/m2, nơi cao 10 - 15 con/m2; sâu lứa 2, tuổi 1-2.

Diện tích nhiễm sâu keo 107 ha, trong đó Quảng Ninh 37 ha, Ba Đồn 35 ha, Quảng Trạch 35 ha; mật độ phổ biến 3 - 5 con/m2, nơi cao 7-10 con/m2; sâu tuổi 4-5.

Ngoài ra, có 17 ha bị nhiễm bọ trĩ,  tại thành phố Đồng Hới 10 ha, thị xã Ba Đồn 7 ha, tỷ lệ  phổ biến 5 - 7%, nơi cao 10 - 15%; ngộ độc hữu cơ 15ha ở TX. Ba Đồn, tỷ lệ phổ biến 7-10%, cục bộ 40-50%.

Diện tích lúa tái sinh bị nhiễm đạo ôn cổ bông khoảng 83ha, tập trung ở các xã Tân Thuỷ, Mỹ Thuỷ, Dương Thủy, Liên Thuỷ, Xuân Thuỷ, Mai Thuỷ, Cam Thuỷ (huyện Lệ Thủy); tỷ lệ bệnh phổ biến 2-3%, nơi cao 10-15%; bệnh gây hại chủ yếu trên giống TBR225.

Tại một số địa phương cũng đã phát sinh tình trạng chuột gây hại lúa Hè thu với diện tích gần 123ha, tăng so với tuần trước 58 ha, tập trung tại các huyện Quảng Ninh 65 ha, Bố Trạch 30 ha, Đồng Hới 10 ha, Ba Đồn 8 ha, Quảng Trạch 8 ha; tỷ lệ hại phổ biến 1-2%.

Hiện tại, các địa phương của tỉnh Quảng Bình đang tích cực chỉ đạo nông dân chủ động phòng trừ ốc bươu vàng, rầy lưng trắng, sâu cuốn lá nhỏ, bọ trĩ, bệnh đạo ôn cổ bông trên lúa tái sinh; đồng thời tổ chức diệt chuột đầu vụ bằng nhiều biện pháp như đào bắt thủ công, đặt bẫy, bả diệt chuột theo thông báo hướng dẫn của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Bình nhằm bảo vệ lúa Hè thu.

Theo dự báo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Bình, trong thời gian tới, các đối tượng gây hại như chuột, rầy lưng trắng, sâu cuốn lá nhỏ... sẽ tiếp tục phát sinh gây hại trên diện rộng, các đối tượng sâu bệnh khác phát sinh gây hại rải rác. Đặc biệt, tình trạng chuột di cư gây hại lúa Hè thu tại các vùng có sản xuất lúa tái sinh như Quảng Ninh, Lệ Thủy sẽ có diễn biến phức tạp.Các địa phương cần chỉ đạo nông dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, nắm tình hình phát sinh và gây hại của các đối tượng sâu bệnh trên lúa để có biện pháp phòng trừ kịp thời; đặc biệt triển khai tốt công tác phòng trừ chuột, ốc bươu vàng hại lúa.

                                                                                                          Ngọc Lan