Chủ trì cuộc họp là đồng chí Lê Ngọc Trung – Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT. Cuộc họp có sự tham dự của đại diện Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và môi trường, các chi cục, trung tâm trực thuộc Sở Nông nghiệp & PTNT Quảng Nam, Lãnh đạo các huyện, phòng Nông nghiệp & PTNT/phòng kinh tế, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp 18 huyện thị.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp & PTNT Quảng Nam, lũy kế từ tháng 5/2019 đến ngày 11/12/2019, bệnh dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) đã phát sinh và lây lan tại 36.497 hộ, 980 lượt thôn, 206 lượt xã của 16/18 huyện, thị xã, thành phố, làm mắc bệnh và tiêu hủy 149.961 con với trọng lượng tiêu hủy 8.911.651,8 kg. Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh còn 34.978 hộ, 684 thôn, 148 lượt xã của 15 huyện, thị xã, thành phố có DTLCP chưa qua 30 ngày. Sơ bộ ước tính thiệt hại ban đầu tính đến ngày 11/12/2019, ngân sách phải chi cho công tác chống bệnh DTLCP là 262,70 tỷ đồng. Bên cạnh đó, từ đầu năm 2019 đến tháng 11/2019, bệnh lở mồm long móng đã xảy ra ở 264 hộ của 12 huyện, thị xã, thành phố, tổng số gia súc mắc bệnh 1.677 con. Cúm gia cầm xảy ra tại huyện Tiên Phước với tổng số gà mắc bệnh và bắt buộc phải tiêu hủy là 4.050 con.

Ngành Thú y của tỉnh nhận định, khó khăn lớn nhất của công tác phòng chống bệnh DTLCP là bệnh chưa có vắc-xin, thuốc để phòng, trị; các đường truyền lây của bệnh tương đối phức tạp, việc tiêu hủy lợn bệnh không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật an toàn sinh học, công tác điều tra ổ dịch chưa thực hiện tốt. Chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, xen kẽ trong khu dân cư gây khó khăn trong công tác phòng chống dịch, hầu hết các địa phương không tổ chức kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển lợn, sản phẩm lợn ra vào địa bàn, không quản lý được việc tái đàn của các hộ, công tác giám sát giết mổ bị bỏ ngỏ, hệ thống Thú y từ tỉnh đến cơ sở thiếu cán bộ.

Trong thời gian tới, ngành tiếp tục khắc phục những tồn tại và triển khai đầy đủ các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh: tăng cường kiểm tra, kiểm soát buôn bán giết mổ, xây dựng phương án quản lý giết mổ lợn, quản lý, xử lý nghiêm các trường hợp tái đàn trái quy định, chấn chỉnh công tác tiêu hủy lợ và báo cáo dịch bệnh tại cơ sở …; phối hợp với UBND các xã rà soát danh sách, số lượng, trọng lượng tiêu hủy, tham mưu UBND cấp huyện quyết định hỗ trợ thiệt hại cho người chăn nuôi, tham mưu Bộ Nông nghiệp & PTNT ban hành hướng dẫn tái đàn trong chăn nuôi lợn để phòng, chống bệnh DTLCP.  

Tại cuộc họp, các đại biểu cũng đã nêu lên thực trạng khó khăn trong công tác phòng, chống bệnh DTLCP tại từng địa phương, mức hỗ trợ nhân công tiêu hủy lợn bệnh thấp, khó quản lý chăn nuôi nhỏ lẻ, giải ngân kinh phí hỗ trợ cho các hộ dân trước tết Nguyên đán 2020, khó khăn trong công tác kiểm soát giết mổ khi thiếu cán bộ chuyên môn.

Kết luận cuộc họp, đồng chí Lê Ngọc Trung nhấn mạnh: việc giảm 30% tổng đàn lợn là tổn thất nặng nề với ngành nông nghiệp của tỉnh, vì vậy cần tiếp tục công tác phòng chống bệnh DTLCP trong thời gian tới quyết liệt hơn. Tăng cường sự phối hợp giữa tỉnh với huyện, các xã; làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao ý thức người dân về bệnh DTLCP và các bệnh động vật khác; đẩy mạnh công tác tiêm phòng; cơ cấu lại ngành chăn nuôi của tỉnh theo hướng chăn nuôi tập trung, trang trại an toàn sinh học; thực hiện tháng tiêu độc khử trùng. Kinh phí hỗ trợ cho các hộ bị thiệt hại cần được công khai, minh bạch, niêm yết ở UBND xã, thôn. Hiện tại giá thịt heo tăng cao nên sẽ có hiện tượng hộ chăn nuôi bán chạy heo bệnh làm lây lan mầm bệnh, do vậy ngành Thú y cần tăng cường công tác phòng chống dịch hơn nữa trong thời gian đến./.

Thu Thủy

Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam