Ngày 14/5, tin từ Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Ngãi cho biết, theo kết quả xét nghiệm ngày 12/5 của Cơ quan Thú y Vùng IV cho thấy: Mẫu tôm của hộ ông Bùi Văn Tín (ở thôn Tân Đức, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) dương tính với vi rút gây bệnh đốm trắng (WSSV); mẫu tôm của hộ ông Trần Công Sinh (ở thôn Mỹ Huệ, xã Bình Dương, huyện Bình Sơn) dương tính với vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus có gen gây bệnh hoại tử gạn tụy cấp tính; mẫu tôm của hộ ông Bùi Tiến (ở thôn Châu Me, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn), hộ ông Nguyễn Quang Thanh ở thôn Tân Đức, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) đều dương tính với vi rút gây bệnh đốm trắng (WSSV) và dương tính với vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus có gen gây bệnh hoại tử gạn tụy cấp tính.

Trước đó, các hộ nuôi tôm nói trên ở huyện Bình Sơn có tôm bị chết, Chi cục Thú y tỉnh Quảng Ngãi đã cử cán bộ kỹ thuật phối hợp với Trạm Thú y huyện Bình Sơn kiểm tra thực tế tình hình dịch bệnh và lấy 4 mẫu tôm thẻ chân trắng và tôm sú gửi Cơ quan Thú y Vùng IV phân tích.

 Hộ ông Bùi Văn Tín ở thôn Tân Đức (xã Bình Châu) ngày 12/3 thả nuôi 200 nghìn con tôm sú PL15 (nguồn giống ở tỉnh Bình Định) trên diện tích ao 6.000 m2, đến ngày 06/5 thì bắt đầu phát bệnh.

Hộ ông Nguyễn Quang Thanh ở thôn Tân Đức (xã Bình Châu) ngày 22/3 thả nuôi 300 nghìn con tôm sú PL15 (nguồn giống ở tỉnh Bình Định) trên diện tích ao 2.500 m2, đến ngày 08/5 thì bắt đầu phát bệnh.

Hộ ông Bùi Tiến ở thôn Châu Me (xã Bình Châu)  ngày 13/3 thả nuôi 150 nghìn con tôm sú PL15 (nguồn giống ở tỉnh Bình Định) trên diện tích ao 3.000 m2, đến ngày 05/5 thì bắt đầu phát bệnh.

Hộ ông Trần Công Sinh ở thôn Mỹ Huệ (xã Bình Dương) ngày 20/3 thả nuôi 300 nghìn con tôm thẻ chân trắng PL12 (nguồn giống ở tỉnh Quảng Nam) trên diện tích ao 2.500 m2, đến ngày 08/5 thì bắt đầu phát bệnh.

Ngày 13/5, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Ngãi đã có Công văn đề nghị UBND huyện Bình Sơn chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc huyện, UBND các xã Bình Châu, Bình Dương và các chủ hộ nuôi tôm nêu trên tổ chức thực hiện tiêu hủy ổ dịch theo đúng qui định về phòng chống dịch bệnh cho động vật thủy sản nuôi.

Thời tiết nắng nóng đã khiến dịch bệnh trên tôm ở Quảng Ngãi có nguy cơ bùng phát trên diện rộng. Theo thống kê, năm nay tỉnh Quảng Ngãi thả nuôi gần 500 ha tôm. Tất cả các hộ nuôi tôm đều tuân thủ nghiêm ngặt lịch thả tôm cũng như lựa chọn con giống nhưng do thời tiết nắng nóng, hiện tại tỉnh Quảng Ngãi đã có khoảng 10 ha tôm bị dịch bệnh, tập trung chủ yếu ở thành phố Quảng Ngãi và huyện Bình Sơn.

Chi cục Thú y tỉnh Quảng Ngãi tăng cường giám sát và khuyến cáo đối với những ao nuôi chưa bị dịch bệnh, nếu thấy tôm có biểu hiện như bơi lờ đờ, bỏ ăn, rớt đáy và chết thì không nên tiếp tục nuôi, mà phải tiêu hủy ngay và báo cáo với các ngành chức năng để xử lý, hạn chế dịch lây lan.

Hải Yến