Triệu chứng bệnh khảm lá sắn giai đoạn thu hoạch

 

Năm 2020, tổng diện tích trồng sắn toàn tỉnh Quảng Trị hơn 10.000 ha và diện tích sắn bị nhiễm bệnh vi rút khảm lá sắn là 421,9 ha, bệnh hại trên sắn chủ yếu trên giống KM 94, KM 140, phân bố ở Hải Lăng (395,2 ha), thị xã Quảng Trị (26 ha) và một số diện tích ở Vĩnh Linh. Đây là đối tượng bệnh hại đặc biệt nguy hiểm trên cây sắn, bệnh có khả năng phát tán và lây lan nhanh chóng và gây thiệt hại nghiêm trọng đối với người trồng sắn. Hiện nay chưa có thuốc để trừ vi rút gây bệnh khảm lá sắn, chỉ phòng bệnh là chủ yếu và khi bị bệnh thì phải tiêu hủy.

Tại xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng có hơn 235,7 ha diện tích trồng sắn thì có gần 200 ha bị bệnh khảm lá gây hại, tỉ lệ bệnh hại đa số trên 70%. Ông Bùi Đức Hòa - Phó Chủ tịch UBND xã Hải Chánh cho biết, UBND xã đã chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn thông báo rộng rãi cho nhân dân kiểm tra ruộng sắn trong giai đoạn thu hoạch; tổ chức tiêu hủy bằng cách thu gom và đốt với những thân, lá cây sắn bị bệnh để tránh lây lan ra diện rộng và vụ sau.

Ông Tuấn đang kiểm tra cây bệnh và hướng dẫn cho bà con cách tiêu hủy

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Minh Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Quảng Trị cho biết, để ngăn chặn bệnh lây lan trên diện rộng trong vụ sau:

Đối với những ruộng nhiễm bệnh đang thu hoạch, người nông dân cần tiến hành thu gom toàn bộ tàn dư, cây sắn sau thu hoạch để tiêu diệt nguồn bệnh bằng cách đem đốt, băm nhỏ để sử dụng làm phân chuồng, không để tàn dư cây sắn bị bệnh trên các bờ thửa, hàng rào.

Nông dân thu gom tiêu hủy cây bệnh

 

Nghiêm cấm mọi hành vi buôn bán, vận chuyển giống, thân lá sắn từ các vùng đang có dịch bệnh về địa phương khác trong tỉnh và tỉnh bạn để tránh nguồn bệnh lây lan.

Sau thu hoạch thường xuyên kiểm tra các vườn, nếu phát hiện cây sắn con mọc lên từ tàn dư cây bệnh (thân, củ) thì tiếp tục tiến hành tiêu hủy và phòng trừ theo những nội dung trên.

Đối với những diện tích chuẩn bị trồng mới thì người nông dân tuyệt đối không được sử dụng giống từ những khu vực đã bị nhiễm bệnh cho vụ sau. Hạn chế sử dụng các loại giống nhiễm như KM140, KM94 để trồng. Nên sử dụng biện pháp luân canh, không trồng sắn hoặc cây ký chủ của bọ phấn như cây thuốc lá, bông, cà chua, cà pháo, cà bát, bầu bí, khoai tây, ớt ở những vùng đã bị bệnh khảm lá hại nặng ít nhất một vụ.

“Để khống chế không để bệnh khảm lá sắn lây lan ra diện rộng, bên cạnh sự nỗ lực của cơ quan chuyên môn. Đề nghị nông dân trồng sắn cần thực hiện ngay các biện pháp phòng trừ, áp dụng triệt để để quản lý đối tượng bệnh này một cách hiệu quả nhất trong giai đoạn thu hoạch sắn, hạn chế bệnh khảm lá virus hại sắn lây lan cho vụ sau” - ông Tuấn nói.

Phan Việt Toàn

Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị