Vụ nuôi xuân hè năm 2017, hai huyện Tiền Hải và Thái Thụy (Thái Bình) thả nuôi được 361,9 triệu con tôm giống/2.883,55ha thuộc diện tích vùng đầm trong và ngoài đê quốc gia, trong đó tôm sú thả 223,24 triệu con/2.698,95ha; tôm thẻ 138,66 triệu con/184,6ha. Do thời tiết chuyển mùa, nhiệt độ chưa ổn định, đặc biệt ảnh hưởng từ những cơn mưa lớn bất thường, làm cho các yếu tố môi trường ao nuôi biến động vượt ngưỡng cho phép đã gây sốc, làm cho tôm yếu, sức đề kháng giảm, tạo điều kiện thuận lợi phát sinh bệnh đốm trắng làm chết tôm, nhất là đối với tôm ở giai đoạn dưới 60 ngày tuổi.

Theo số liệu của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, hiện tượng tôm chết xuất hiện đầu tiên tại xã Thái Đô (Thái Thụy, Thái Bình) vào ngày 19/4/2017, các ngày tiếp theo xuất hiện tại xã Thụy Xuân (Thái Thụy), rồi tại huyện Tiền Hải phát sinh tôm chết ở các xã Đông Minh, Nam Thắng, Nam Cường. Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã thực hiện lấy 19 mẫu tôm, kết quả 16/19 mẫu dương tính với vi-rút gây bệnh đốm trắng ở tôm.

Bà Lê Thị Phương Lan, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Tiền Hải cho biết: Cuối tháng 4, đầu tháng 5/2017, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện nhận được thông tin tại các xã Đông Minh, Nam Thắng và Nam Cường có hiện tượng tôm lờ đờ bơi xung quanh bờ và chết rải rác trong ao nuôi. Trạm đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện xuống kiểm tra thực tế, lấy mẫu tôm để xác minh dịch bệnh. Kết quả xét nghiệm các mẫu tôm thuộc 3 xã đều dương tính với vi-rút gây bệnh đốm trắng. Các lực lượng chức năng của tỉnh, huyện, xã đã bám sát cơ sở để tập trung chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và hướng dẫn các biện pháp chuyên môn về phòng, chống dịch bệnh như: quản lý ao tôm bị bệnh, thu gom xác tôm chết và tiêu hủy theo quy định; hướng dẫn các hộ nuôi giữ nguyên mực nước trong ao, không xả nước ao nuôi bị bệnh ra ngoài môi trường chung; tăng cường kiểm tra giám sát tình hình bệnh tôm trên địa bàn các xã...

Mặc dù các cơ quan chức năng đã sớm tích cực vào cuộc, tuy nhiên bệnh đốm trắng trên tôm vẫn tiếp tục phát sinh. Tính đến ngày 15/5, bệnh đã xảy ra tại 8 xã (huyện Thái Thụy 4 xã, huyện Tiền Hải 4 xã) với tổng diện tích có tôm chết là 64,434 ha, số lượng giống thả 25,135 triệu con.

Trước tình hình đó, các ao nuôi có tôm bị bệnh đều được ngành Nông nghiệp cấp hóa chất để xử lý theo quy định. Đến hết ngày 15/5, tổng lượng hóa chất các địa phương đã sử dụng là 15.654kg Chlorine và 19 lít BKC. Sự nỗ lực của các cấp, các ngành đã khống chế bệnh tôm đốm trắng chỉ trong phạm vi 8 xã, song tại các xã trên, tôm chết do bệnh đốm trắng vẫn phát sinh thêm trên các ao nuôi khác. Đến hết ngày 24/5, tổng diện tích có tôm chết tại 8 xã là 79,551ha (44,561ha tôm thẻ chân trắng; 34,99ha tôm sú); số lượng giống thả 29,789 triệu con (19,575 triệu tôm thẻ chân trắng; 10,214 triệu tôm sú).

Ông Phạm Thành Nhương, Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Do số lượng tôm chết vì bệnh đốm trắng tiếp tục phát sinh nên ngành Nông nghiệp đã cấp bổ sung hóa chất cho các địa phương. Đến hết ngày 24/5, tổng lượng hóa chất các địa phương đã sử dụng để xử lý vệ sinh ao nuôi là 20.058kg Chlorine và 58 lít hóa chất BKC.

Cũng theo ông Nhương, ngoài diễn biến thời tiết bất lợi thì kết quả phân tích mẫu nước triều thu tại khu vực xã Nam Thịnh, Đông Minh (Tiền Hải) của Trung tâm Quan trắc môi trường và Bệnh thủy sản miền Bắc cho thấy hàm lượng vi khuẩn Vibrio Parahaemolyticus cao hơn giới hạn cho phép từ 1 - 5,7 lần; hàm lượng Nitrit (NO2-N) cao hơn từ 2,6 - 3,2 lần. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây bệnh chết sớm (bệnh hoại tử gan tụy cấp) trên tôm.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu của vụ nuôi tôm xuân hè, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND hai huyện Thái Thụy, Tiền Hải chỉ đạo các phòng chức năng tăng cường hướng dẫn cho các địa phương và người nuôi tôm thực hiện tốt công tác dập dịch theo kế hoạch của UBND tỉnh về việc phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản năm 2017. Khi chưa sử dụng hóa chất dập dịch, tuyệt đối người dân không được xả nước ao tôm bệnh, xác tôm chết ra môi trường xung quanh. Đối với diện tích nuôi tôm chưa có dấu hiệu bệnh cần sử dụng vôi bột sát khuẩn xung quanh khu vực ao nuôi; vây lưới xung quanh ao để ngăn chặn cua, còng mang mầm bệnh xâm nhập; không sử dụng chung dụng cụ giữa các ao nuôi; hạn chế người qua lại giữa vùng có dịch với vùng chưa có dịch; không lấy nước trực tiếp từ ngoài kênh mương vào ao nuôi. Các hộ nuôi cần bổ sung vitamin C, khoáng chất, tỏi trộn vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho tôm và quản lý chặt chẽ các yếu tố môi trường. Đối với những ao tôm bị bệnh, sau khi đã xử lý đúng theo quy định thì tiến hành cải tạo lại, có thể thả nuôi ngay cả các loại như cá vược, cá song, cá rô phi, đối mục, rong câu... không thả ngay tôm trong thời gian có dịch. Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp chăm sóc, quản lý môi trường, phòng ngừa bệnh dịch đối với tôm nuôi để người nuôi tôm được biết và thực hiện.

Theo báo Thái Bình