Ngọc Lặc là huyện cuối cùng của tỉnh Thanh Hóa công bố hết dịch viêm da nổi cục ở đàn trâu, bò. Theo đó, dịch bệnh bắt đầu xuất hiện trên địa bàn xã Cao Thịnh, huyện Ngọc Lặc từ ngày 26/3/2021. Đến ngày 17/5, dịch đã xảy ra tại 14/21 xã, thị trấn có chăn nuôi trâu, bò ở 70 thôn thuộc 178 hộ, làm 204 con bò, bê bị bệnh; trong đó, buộc phải tiêu hủy 71 con, trọng lượng tiêu hủy 12.620kg.

Để đảm bảo việc phòng dịch không lây lan ra diện rộng, ngoài nguồn vật tư hóa chất do tỉnh hỗ trợ, huyện Ngọc Lặc đã kịp thời xuất từ kinh phí dự phòng để mua vật tư, hóa chất, với 14.000 liều vắc-xin viêm da nổi cục; 600 lít thuốc sát trùng; 100 lít thuốc diệt côn trùng, ruồi muỗi; 2 tấn vôi bột… và kinh phí hỗ trợ cán bộ thú y tham gia tiêm phòng tập trung trên địa bàn huyện. Theo đó, huyện đã thực hiện tiêm phòng vắc-xin viêm da nổi cục được 16.859 con trâu bò, đạt 98,1% tổng đàn. Đến nay tình hình dịch bệnh trên địa bàn đã được ổn định, các hoạt động chăn nuôi trâu bò đã hoạt động trở lại bình thường.

Ông Đặng Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc cho biết, ngay sau khi xuất hiện những ổ dịch đầu tiên trên địa bàn tỉnh, dù tại huyện Ngọc Lặc chưa xuất hiện trường hợp nào bị bệnh nhưng với tinh thần khẩn trương, huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch phân công lực lượng, rà soát tình hình, tăng cường giám sát phát hiện sớm các hộ gia đình có trâu, bò mắc bệnh để kịp thời có biện pháp xử lý.

Huyện lập danh sách số trâu, bò và lên kế hoạch chủ động kinh phí để mua vaccine tiêm phòng viêm da nổi cục cho trâu, bò trên địa bàn huyện. Nhờ sự nỗ lực của các cấp chính quyền, đến nay huyện đã khống chế dịch bệnh thành công. Hoạt động chăn nuôi gia súc trở lại bình thường. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tăng cường rà soát tiếp số trâu, bò để tiêm bổ sung, tránh để dịch bệnh quay trở lại.

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thanh Hóa, dịch bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò bắt đầu xuất hiện trên địa bàn từ ngày 3/2/2021, đến nay dịch bệnh đã xảy ra ở 6.009 hộ chăn nuôi tại 1.380 thôn, 340 xã của 25 huyện, làm tổng 7.635 con trâu, bò mắc bệnh; buộc phải tiêu hủy 1.996 con. Thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả việc phòng chống dịch, đến nay 338 xã của 25 huyện đã công bố hết dịch hoàn toàn.

Ông Đặng Văn Hiệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thanh Hóa cho biết, dù dịch bệnh đã được kiểm soát, nhưng trên tình thần không được chủ quan, để ngăn chặn dịch bệnh quay trở lại và lây lan trên địa bàn tỉnh, thời gian tới ngành thú y tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch như: tổ chức thống kê, rà soát tình hình chăn nuôi, tăng cường giám sát phát hiện sớm các hộ gia đình có trâu, bò mắc bệnh trên địa bàn để có các biện pháp xử lý kịp thời.

Các đơn vị tiến hành các biện pháp tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi, chuồng trại, đường làng ngõ xóm, bãi chăn thả. Đồng thời, dùng thuốc diệt côn trùng, ruồi, muỗi, ve, mòng… bằng các loại hóa chất phù hợp liên tục trong 3 tuần tại các hộ chăn nuôi có trâu, bò có biểu hiện nghi bệnh, bị bệnh.

Ngành thú y tỉnh tiếp tục phối hợp với các địa phương tiêm phòng bổ sung vaccine viêm da nổi cục cho đàn trâu bò đến tuổi tiêm phòng trên địa bàn toàn tỉnh; nghiêm cấm việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ trâu bò và sản phẩm trâu bò trên địa bàn xã có dịch trong thời gian  dịch bệnh diễn ra. Đồng thời, duy trì các chốt kiểm soát, tổ kiểm soát lưu động trên các tuyến giao thông ra, vào địa bàn các xã với sự tham gia của lực lượng thú y, công an, dân quân tự vệ… trực 24/24 giờ nhằm ngăn chặn không đưa trâu, bò, sản phẩm từ trâu, bò ra ngoài vùng dịch. Qua đó, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vận chuyển trâu bò ra, vào các xã có dịch./.

Khiếu Tư

TTXVN