Hộ anh Trần Tăng ở xã Điền Hương, huyện Phong Điền vừa hoàn thành thả nuôi 3 ao tôm chân trắng trên cát ven biển. Theo ông Tăng, bên cạnh những ưu điểm như ít dịch bệnh, giá tôm ổn định, lãi cao, vụ nuôi này cũng bắt gặp những yếu tố bất lợi do đúng vào mùa mưa lũ khiến môi trường nước thay đổi đột ngột.

Kinh nghiệm từ các hộ NTCT là khi mưa lớn kéo dài cần thường xuyên thăm dò các yếu tố môi trường, nhiệt độ trong nước để có sự bổ sung, xử lý phù hợp. Độ mặn, hay pH giảm xuống ở mức quá giới hạn cho phép thì phải bổ sung nguồn nước biển, bón vôi kịp thời. Các dàn quạt nước thường xuyên hoạt động để tạo dòng chảy, ô xy hòa tan đảm bảo cho tôm phát triển, tránh bị sốc, chết do thiếu ô xy.

Theo ông Tăng, trong quá trình nuôi phải thường xuyên theo dõi khả năng bắt mồi (thức ăn) của tôm. Thông thường tôm hạn chế khả năng bắt mồi, hấp thu thức ăn chủ yếu do hàm lượng ô xy hòa tan thấp hơn giới hạn quy định. Có trường hợp tôm hoàn toàn mất khả năng bắt mồi là do hàm lượng ô xy quá thấp. Việc duy trì thường xuyên các dàn quạt nước trong lúc mưa lớn, kéo dài là điều bắt buộc.

Vào thời điểm mưa lớn, kéo dài, anh Võ Khiên ở xã Phong Hải, huyện Phong Điền thường xuyên kiểm tra nhiệt độ trong ao hồ. Trong điều kiện mưa lạnh, nhiệt độ giảm xuống thấp, tôm sẽ hạn chế khả năng bắt mồi, anh Khiên điều chỉnh lượng thức ăn hợp lý, tránh dư thừa gây ô nhiễm môi trường, tạo khí độc trong nguồn nước. Thông thường nhiệt độ trong ao giảm xuống ở mức từ 18- 22oC thì giảm lượng thức ăn khoảng 20-30% so với bình thường.

Ngoài các yếu tố môi trường, trước mùa mưa lũ, ông Võ Văn Chương cũng như các hộ NTCT ở xã Quảng Công, huyện Quảng Điền gia cố bờ bao vững chắc, dùng lưới che chắn quanh ao hồ tránh tôm bị trôi. Ông Chương thường xuyên theo dõi lượng mưa, mực nước trong ao hồ, nếu quá cao phải tiêu thoát tránh vỡ hồ do ngập nước. Khi tiêu thoát nước trong ao hồ thì phải bổ sung thêm nguồn nước mặn, ổn định độ pH phù hợp.

Tính đến thời điểm này, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành thả giống NTCT vụ chính với diện tích khoảng 500 ha; trong đó vùng cát ven biển Ngũ Điền gần 400 ha, còn lại các huyện Phú Vang, Phú Lộc, Quảng Điền.

Ông Lê Duận, Chủ tịch UBND xã Quảng Công thông tin, vào đầu vụ nuôi, chính quyền địa phương phối hợp với các ban, ngành chức năng tổ chức tập huấn, hướng dẫn các biện pháp xử lý môi trường, các biện pháp nuôi tôm trong mùa mưa lũ. Cán bộ phụ trách thủy sản đến tận các hộ nuôi để tuyên truyền, vận động người dân chấp hành tốt khung lịch thời vụ, các quy định, hướng dẫn các quy trình, kỹ thuật nuôi tôm.

Chủ tịch UBND xã Phong Hải tự tin: “Qua 4 vụ nuôi liên tiếp có lãi, cho thấy người dân có nhiều kinh nghiệm trong việc xử lý, ứng phó quá trình nuôi tôm. Địa phương thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật, quy trình NTCT trong mùa mưa lũ. Đến thời điểm này, hầu hết các hộ trên địa bàn xã đã thả nuôi vụ chính với diện tích khoảng 70 ha.

Thạc sĩ Trần Quốc Sữu, Trưởng phòng Dịch tễ thuộc Chi cục Chăn nuôi-Thú y tỉnh cho rằng, NTCT trong mùa mưa lũ thường xảy ra các hiện tượng, như nhiệt độ, độ pH, ô xy, độ mặn… trong nước giảm nhanh, đột ngột khiến tôm không kịp thích nghi. Nếu không có biện pháp xử lý kịp thời tôm có thể xảy ra một số dịch bệnh do khả năng bắt mồi, tiêu hóa thức ăn, hô hấp kém… Trong điều kiện mưa lớn, kéo dài, người dân cần bón thêm vôi, khoáng, tháo lớp nước bề mặt, đồng thời bổ sung thêm nguồn nước phù hợp giúp ổn định độ kiềm, pH…

Theo baothuathienhue.vn