Theo đó, UBND tỉnh giao đối với địa bàn các huyện đang xảy ra ổ bệnh lở mồm long móng (gồm huyện Cai Lậy, Cái Bè, Châu Thành) thực hiện tiêu hủy bắt buộc toàn bộ số heo (lợn) mắc bệnh lở mồm long móng tại các ổ bệnh với triệu chứng lâm sàng điển hình; tập trung rà soát, thống kê lại đàn gia súc mẫn cảm để tổ chức tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng miễn phí cho trâu, bò, dê; vận động chủ nuôi tự mua vắc xin lở mồm long móng tiêm phòng cho đàn heo, đảm bảo tỷ lệ đạt trên 80% tổng đàn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về nguy cơ dịch lở mồm long móng để người dân cảnh giác, chủ động áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, đặc biệt là tăng cường vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi; thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực chăn nuôi thú y, đặc biệt là giết mổ, kinh doanh và vận chuyển động vật, sản phẩm động vật chưa qua kiểm soát của cơ quan chuyên môn; thực hiện công bố dịch lở mồm long móng trên địa bàn để tập trung nguồn lực triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp chống dịch theo quy định.

Đối với địa bàn các huyện chưa phát hiện ổ bệnh lở mồm long móng, yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh trên gia súc để phát hiện sớm, báo cáo nhanh và xử lý triệt để các ổ dịch lở mồm long móng vừa mới phát sinh ở diện hẹp; thống kê lại đàn gia súc mẫn cảm để tổ chức tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng miễn phí cho trâu, bò, dê; vận động chủ nuôi tự mua vắc xin lở mồm long móng tiêm phòng cho đàn heo, đảm bảo tỷ lệ đạt trên 80% tổng đàn; tăng cường hoạt động của đoàn kiểm tra liên ngành các huyện, thành phố, thị xã để kiểm soát tình hình vận chuyển, mua bán động vật, sản phẩm động vật; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là việc mua bán chui nhằm ngăn chặn việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật vào địa phương làm lây lan dịch bệnh; tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về nguy cơ dịch lở mồm long móng để người dân cảnh giác, chủ động áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, đặc biệt là tăng cường vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi.

Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức lấy mẫu xét nghiệm để xác định típ vi rút gây bệnh làm cơ sở cho công tác phòng chống dịch bệnh tại địa phương; dự phòng đầy đủ vật tư, vắc xin, thuốc sát trùng cho công tác phòng chống dịch bệnh lở mồm long móng; thành lập các Đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc thực hiện việc phòng, chống dịch bệnh tại các địa bàn có nguy cơ cao như xã chăn nuôi heo trọng điểm, xã giáp ranh với tỉnh bạn, xã có điểm thu gom heo, cơ sở giết mổ động vật tập trung, đặc biệt là điểm giết mổ heo trái phép; phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ sự lưu thông, giết mổ, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn nhằm kiểm soát dịch bệnh và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng...

Theo tiengiang.gov.vn