Thịt lợn là loại thịt được tiêu thụ nhiều nhất trên thế giới, chiếm 35,6% lượng tiêu thụ thịt toàn cầu. Trong những năm gần đây, dịch tả lợn châu Phi (có thể gây tử vong tới 100% ở lợn) đã trở thành một cuộc khủng hoảng lớn đối với ngành công nghiệp thịt lợn, gây thiệt hại lớn cho quần thể lợn và gây ra hậu quả kinh tế nghiêm trọng.

Dịch tả lợn châu Phi đang ảnh hưởng đến một số quốc gia ở Châu Phi, Châu Á, Thái Bình Dương và Châu Âu. Theo tiến sĩ Matthew Stone, Phó Tổng Giám đốc Tổ chức Thú y thế giới (OIE) cho biết 51 quốc gia bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi. Nhiều quốc gia bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi bị thiếu nguồn nhân lực, tài chính hoặc kỹ thuật đầy đủ để nhanh chóng phát hiện, ứng phó và ngăn chặn các bệnh động vật.

Trong bối cảnh khó khăn do COVID-19 gây ra, dịch tả lợn Châu Phi tiếp tục lan rộng không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe và phúc lợi động vật  mà còn ảnh hưởng đến cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội. Cho đến nay, chưa có vắc-xin phòng trừ hiệu quả dịch tả lợn Châu Phi.

"Trong thế giới toàn cầu hóa này, nơi dịch bệnh có thể lây lan nhanh chóng qua biên giới, cần chia sẻ kịp thời các thông tin khoa học mới nhất, hợp tác quốc tế và thông báo về dịch tả lợn Châu Phi để ngăn chặn sự lây lan xuyên biên giới và giảm thiểu tác động", Phó Tổng Giám đốc FAO, Maria Helena Semedo nói.

OIE và FAO kêu gọi các quốc gia và đối tác hợp tác chống lại dịch tả lợn Châu Phi này bằng cách áp dụng sáng kiến mới về kiểm soát dịch bệnh tả lợn Châu Phi trên toàn cầu.

Dựa trên kinh nghiệm về sự hợp tác lâu dài giữa OIE và FAO để quản lý các rủi ro liên quan đến sức khỏe động vật, khung toàn cầu chung về kiểm soát tiến bộ các bệnh động vật xuyên biên giới (GF-TADs) đã phát triển sáng kiến toàn cầu với mục đích thúc đẩy quan hệ đối tác quốc gia, khu vực và toàn cầu để tăng cường các biện pháp kiểm soát và để giảm thiểu tác động của dịch bệnh phức tạp và đầy thách thức này.

Sáng kiến kiểm soát toàn cầu dịch tả lợn Châu Phi nhằm:

1. Cải thiện khả năng của các quốc gia để kiểm soát (ngăn chặn, phản hồi, xóa bỏ) dịch tả lợn châu Phi bằng cách sử dụng tiêu chuẩn quốc tế của OIE và các thực hành tốt nhất dựa trên các kết quả khoa học mới nhất.

2. Thiết lập một khung phối hợp và hợp tác hiệu quả để kiểm soát dịch tả lợn châu Phi toàn cầu.

3. Tạo điều kiện kinh doanh liên tục đảm bảo sản xuất và thương mại an toàn để bảo vệ hệ thống thực phẩm.

Các hành động phối hợp như một phần của sáng kiến toàn cầu nên diễn ra cùng với việc duy trì tính minh bạch về báo cáo các bệnh động vật và đầu tư mạnh mẽ vào các hệ thống sức khỏe động vật.

Sáng kiến toàn cầu được xây dựng dựa trên những nỗ lực trong khu vực và tuân theo các khuyến nghị của các chuyên gia dịch tả lợn châu Phi từ khắp nơi trên thế giới. Mục đích tăng cường dịch vụ thú y quốc gia để quản lý rủi ro thông qua việc xây dựng và triển khai các chương trình kiểm soát quốc gia dịch tả lợn châu Phi với sự hợp tác của khối công và khối tư (hợp tác PPP).

Quỳnh Yến

(Theo FAO)