Cù lao Tân Quy nằm trên địa bàn 2 ấp: Tân Quy I và Tân Quy II, xã An Phú Tân (huyện Cầu Kè) hiện có khoảng 200 ha trồng chuyên canh chôm chôm, nay khoảng 80% diện tích bị nhiễm bệnh “chổi rồng”.                           

Theo các nhà chuyên môn, tuy đã triển khai nhiều biện pháp phòng trị nhưng bệnh “chổi rồng” đang lây truyền sang cây chôm chôm. Tác nhân gây ra bệnh là loài nhện lông nhung (tên khoa học Rriophyes dimocarpi). Loại bệnh này chưa có thuốc đặc trị và hiện quy trình kỹ thuật phòng chống bệnh chủ yếu bằng cách cắt đọt, tỉa cành, phun thuốc diệt nhện lông nhung…                                

Theo Viện Cây ăn quả miền Nam khuyến cáo, về biện pháp canh tác, cần cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây chôm chôm; bón thêm phân hữu cơ giúp bộ rễ phát triển, tăng sức đề kháng; loại bỏ những cây ký chủ trong vườn như: cây bồ ngót, cây bỏng nẻ (cây nổ, cây cơm nguội)... Biện pháp cơ học là tiến hành cắt tỉa sau thu hoạch, loại bỏ những cành kém hiệu quả, giúp cây thông thoáng, ra chồi non; vệ sinh và tiêu huỷ cành lá, hoa bị nhiễm bệnh để tránh lây lan. Về biện pháp sinh học, hoá học, sử dụng các hoá chất ít độc, sinh học như: Sulfur, Hexythiazox, Pyridaben… phun xịt 5 lần. Cụ thể, lần 1 lúc cơi vừa nhú; lần 2 lúc cơi đọt 2; lần 3 sau lần 2 khoảng 1 tuần; lần 4 khi hoa vừa nhú và lần 5 sau lần 4 khoảng 1 tuần. Ngoài ra, các nhà vườn nên triển khai đồng loạt dứt điểm trên từng khu vực.                           

Ông Lê Văn Bé, Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh Trà Vinh cho rằng, mức độ bệnh “chổi rồng” hiện chỉ gây hại khoảng 10 - 15% diện tích chôm chôm. Riêng đối với những diện tích trồng xen canh với cây nhãn chiếm tỷ lệ cao hơn. Tuy mức độ gây hại chưa cao nhưng các nhà vườn, ngành chức năng không nên chủ quan, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong quản lý, vệ sinh vườn cây ăn trái, nhằm cắt mầm bệnh không để bùng phát dịch như trên cây nhãn./.

                        Huy Hoàng/TTXVN