Trên cánh đồng ngô nếp hơn 2.000 m2 đang giai đoạn 6-7 lá của chị Ngô Thị Loan thôn An Định đã xuất hiện sâu keo mùa thu. Khi bóc nõn ngô thì thấy sâu nằm trong lá non, có những con đã đục lỗ chui xuống thân. Chị Loan chia sẻ: Đây là lần đầu tiên tôi thấy một loại sâu có sự tàn phá trên cây ngô nhanh đến như vậy. Cũng nhờ sự tư vấn kịp thời của cán bộ Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện mà diện tích ngô bị sâu keo phá hại đã được khống chế.

Sâu keo mùa thu là loài sâu hại có phổ ký chủ rộng, gây hại tập trung với mật độ cao, sức tàn phá lớn, dễ kháng thuốc, khả năng di chuyển nhanh, rất dễ gây hại trên diện rộng. Vì vậy, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Tuy An đã tập huấn cho bà con nông dân cách nhận biết và biện pháp phòng trừ sâu keo mùa ở các giai đoạn sinh trưởng của cây ngô; hướng dẫn bà con cách làm bẫy bã chua ngọt - một biện pháp trừ sâu keo mùa thu có hiệu quả mà an toàn. Đồng thời khuyến cáo bà con cần chủ động chăm sóc và theo dõi tình hình dịch bệnh trên ruộng ngô bằng việc thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, ngắt bỏ ổ trứng, bắt sâu non vào sáng sớm hoặc chiều tối khi mật độ sâu còn thấp, sử dụng các bẫy bã chua ngọt,…. Khâu quan trọng nhất là cần làm kỹ đất để diệt nhộng trong đất; trồng ngô với thời vụ tập trung; trồng xen canh với cây trồng khác để giảm bớt mật độ sâu hại ngô, cải tạo hệ sinh thái,… Khi sâu còn non và có mật độ cao, bà con nên phun thuốc bảo vệ thực vật  hóa học, phun vào ngọn ngô thì mới có hiệu quả.

Bà con nông dân tích cực chăm sóc ngô để khống chế sâu keo mùa thu gây hại

 

Đến nay, tỷ lệ sâu keo mùa thu gây hại trên cây ngô ở huyện Tuy An đã giảm đáng kể. Đó cũng là nhờ sự quan tâm của ban, ngành chuyên môn và sự quyết tâm của bà con nông dân với mong muốn có mùa thu hoạch ngô cho năng suất cao, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương./.

                                                                             Phan Chân Thuyên

                                             Trạm Khuyến nông huyện Tuy An- Phú Yên