Để chủ động ứng phó với các hiện tượng thời tiết, bảo đảm chăn nuôi phát triển, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có phương án phòng chống đói, rét cho đàn gia súc. Qua đó chỉ đạo hệ thống thú y, khuyến nông phối hợp chặt chẽ với các địa phương hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân chăn nuôi trên địa bàn thực hiện tốt các biện pháp phòng chống đói, rét, dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. Trước mắt tăng cường công tác tuyên truyền, vận động và hướng dẫn nhân dân không được chủ quan, lơ là, chủ động các biện pháp phòng, chống đói rét, dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; không thả rông trâu bò trên rừng trong những đợt rét đậm, thực hiện nuôi nhốt đàn trâu bò tại chuồng để thuận lợi cho công tác chăm sóc và nuôi dưỡng. 

Cán bộ thú y tăng cường giám sát dịch bệnh tại cơ sở nhằm phát hiện bệnh sớm, nắm bắt kịp thời tình hình dịch bệnh tại địa bàn; đặc biệt chú trọng kiểm tra các xã có ổ dịch cũ, kịp thời phát hiện gia súc ốm; tiến hành chẩn đoán, xác minh, đồng thời tổ chức thực hiện các biện pháp khoanh vùng, ngăn chặn, dập tắt ngay không để dịch bệnh lây lan. Các địa phương chú ý theo dõi các bệnh thường dễ phát ra trong mùa đông như: lở mồm long móng; bệnh tụ huyết trùng trâu, bò; bệnh cúm gia cầm; bệnh tai xanh...

Tại các huyện Hàm Yên, Chiêm Hóa, Yên Sơn, Lâm Bình, phương án phòng chống đói rét cho đàn vật nuôi trong mùa đông đã được các huyện đặc biệt quan tâm. Cán bộ thú y đã được phân công về các thôn bản để hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp phòng chống dịch bệnh, dự trữ thức ăn, gia cố chuồng trại, quản lý chăn thả đàn gia súc. Mục tiêu mà các địa phương đặt ra là mỗi gia đình chăn nuôi gia súc (trâu, bò) phải có một cây rơm hoặc nhà rơm và  diện tích cỏ xanh làm thức ăn cho vật nuôi; tận dụng triệt để nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp như rơm, rạ, thân lá cây ngô, mía dự trữ chế biến thức ăn băng phương pháp ủ chua hoặc phơi khô. Anh Nguyễn Văn Quỳnh, xã Nhữ Hán (huyện Yên Sơn) chia sẻ, hiện tại anh đã giữ trữ được 3 nhà rơm, trồng 2 sào ngô dầy và chăm sóc 01 ha cỏ VA 06 để lấy nguồn thức ăn cho 20 con trâu, bò của gia đình.

Song song với việc tuyên truyền hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi, hệ thống thú y tỉnh cũng thực hiện đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng, tiêm phòng bổ sung các loại vắc xin phòng chống các bệnh như: lở mồm long móng, bệnh tai xanh... cho đàn gia súc. Hiện đã có trên 75% tổng đàn gia súc đã được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh./. 

Vũ Ngọc Tuyên 

Trung tâm Khuyến nông Tuyên Quang