Ông Phạm Đức Tính, Trưởng thôn Đồng Bèn 2, xã Thượng Ấm, huyện Sơn Dương cho biết, gia đình ông trồng hơn 4.000 cây keo. Đến nay, diện tích cây chết chiếm khoảng 30 - 40%. Từ năm trồng thứ hai trở đi cây keo bắt đầu chết dần. Cây thường chết từng chòm. Mới đầu cây ngả lá màu vàng, sau 2 - 3 tháng thì vỏ cây đen và bị chết. Theo thống kê của UBND xã Thượng Ấm, từ năm 2017 đến nay, toàn xã có khoảng 3ha keo bị chết héo, bà con phải phá đi để trồng lại.

Tại các xã Trung Trực, Xuân Vân, Tân Long, huyện Yên Sơn nhiều diện tích keo của doanh nghiệp và hộ gia đình cũng đều chịu cảnh tương tự. Bà Vũ Thị Dung, Phó Giám đốc kỹ thuật Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Yên Sơn cho biết, bệnh chết héo ở cây keo đã xuất hiện từ cuối năm 2014 đến nay khiến trên 70ha keo bị nhiễm bệnh. Cá biệt có những lô cây chưa đến độ thu hoạch, chết toàn bộ diện tích nên Cty không thu được sản phẩm gây thiệt hại rất lớn.

Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tuyên Quang, tình trạng keo chết xảy ra nhiều nhất tại các huyện Hàm Yên, Sơn Dương và Yên Sơn, với tổng diện tích hơn 500ha. Sở NN-PTNT Tuyên Quang đã mời Trung tâm Nghiên cứu bảo vệ rừng (Viện Khoa học Lâm nghiệp VN) lên nghiên cứu thực tiễn và cho rằng nguyên nhân chính do nấm Phytophthoracinnamoni và Cenratoccystic gây thối rễ và tắc mạch.

Một nguyên nhân nữa được xác định là do thời gian qua trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang xảy ra các đợt mưa lớn kèm theo giông lốc làm đổ gẫy nhiều diện tích keo. Từ các điểm tổn thương trên cây keo nấm, khuẩn đã xâm nhập gây hại và lan rộng. Với những diện tích đã trồng rừng lâu năm là do quá trình khai thác, trồng lại nhiều chu kỳ, bà con không thực hiện khử trùng vệ sinh rừng cẩn thận, mầm bệnh lưu trú nên gặp điều kiện thời tiết thuận lợi là phát tán gây hại. Bên cạnh đó, nguyên nhân khác đang khiến người trồng rừng nghi ngờ đó là nguồn cây giống. Bởi hầu hết diện tích keo chết đều là giống keo lai giâm hom.

Keo bị thối ruột đồng sau đó chết đồng loạt

Bà Trần Thị Lịch, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Tuyên Quang cho biết, nhằm khắc phục tình trạng cây chết đồng loạt, Sở NN-PTNT đã chỉ đạo các ngành chức năng hướng dẫn người dân và các tổ chức kỹ thuật phòng trừ bệnh như không tỉa cành và tạo vết thương cơ giới ở trong mùa mưa. Nếu tỉa cành nên dùng cưa cắt và bôi thuốc chống nấm vào các vết cắt, phòng trừ côn trùng đục thân cành. Đối với những cây đã bị chết héo nên chặt bỏ, đào được gốc là tốt nhất di chuyển ra khỏi rừng để tiêu hủy. Những diện tích rừng có mầm bệnh, trong quá trình trồng lại nên vệ sinh sạch thực bì, cuốc hố và sử dụng vôi bột khử trước trồng cây non xuống, để tránh bệnh xâm nhập.

Phát triển kinh tế rừng là hướng đi chủ lực được nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang lựa chọn trong những năm qua. Với tình trạng keo chết hàng loạt khiến không ít hộ dân hoang mang. Vì vậy, chính quyền tỉnh Tuyên Quang cần có những giải khắc phục hợp lý để người dân yên tâm với công tác trồng, quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

Theo báo NNVN