Theo kế hoạch tiêm phòng vụ xuân hè năm nay huyện Chiêm Hóa có tổng đàn gia súc, gia cầm trong diện phải tiêm phòng trên 1 triệu con, trong đó đàn trâu, bò 22.320 con, đàn lợn trên 92.000 con; đàn dê gần 10.000 con và đàn gia cầm là gần 01 triệu con. ... Các loại vắc-xin phòng bệnh được sử dụng chủ yếu là lở mồm long móng, tụ huyết trùng, dịch tả, Niu-cát-xơn, phòng bệnh dại... Với những cơ chế, chính sách có lợi cho người dân như hỗ trợ 100% tiền mua vắc-xin lở mồm long móng cho đàn trâu, bò, lợn nái, lợn đực giống và vắc-xin dịch tả lợn cho các hộ chăn nuôi; hỗ trợ 100% vắc-xin tiêm phòng bệnh tụ huyết trùng cho đàn trâu, bò, lợn, gia cầm; bệnh Niu-cát-xơn ở gà, dịch tả vịt cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn các xã thuộc vùng khó khăn. Các  loại vắc-xin không thuộc diện hỗ trợ thì người chăn nuôi phải trả tiền mua theo quy định của Chi cục Chăn nuôi và Thú y.

Ông Ma Công Duyệt, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Chiêm Hóa cho biết, việc phòng bệnh cho gia súc, gia cầm bằng tiêm vắc-xin là biện pháp tốt và hiệu quả để duy trì và phát triển chăn nuôi. Vì vậy, Trạm thường xuyên phối hợp Trạm Khuyến nông, các tổ chức đoàn thể và các địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động người chăn nuôi chấp hành nghiêm các quy định về phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Đồng thời, tập trung chỉ đạo cán bộ thú y xã tiêm phòng cho gia súc, gia cầm nhanh gọn, đảm bảo hiệu lực của vắc-xin và theo dõi chặt chẽ diễn biến đàn gia súc, gia cầm sau khi tiêm phòng, nhằm kịp thời xử lý sự cố xảy ra trong quá trình tiêm, sau khi tiêm.

Tiêm phòng cho đàn trâu của gia đình ông Trần Văn Chí, xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa

Bên cạnh sự vào cuộc khẩn trương của ngành chức năng thì người chăn nuôi cũng nâng cao ý thức trong việc tự bảo vệ đàn gia cầm, bảo vệ sức khỏe của chính mình. Ông Trần Văn Chí, thôn Vĩnh Bảo, xã Vinh Quang cho biết, nắm được thông tin về lịch tiêm phòng của cán bộ thú y xã ông đã chủ động nhốt 03 con trâu và đàn gia cầm của gia đình để tiêm phòng, đồng thời hàng tuần ông đều quét rọn và phun khử trùng chuồng trại chăn nuôi. 

Hiện nay thời thời tiết đang giao mùa nên nguy cơ xảy ra dịch bệnh rất cao, do đó các cơ quan chức năng cùng với các địa phương tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về các biện pháp phòng chống để người dân chủ động thực hiện. Trong đó, chú trọng vai trò của việc tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng, không vứt xác gia súc, gia cầm bừa bãi. Kiểm tra đôn đốc các xã, thị trấn thực hiện quản lý chặt chẽ đàn vật nuôi, công tác tiêm phòng, kiểm soát việc lưu thông buôn bán gia súc, gia cầm và các sản phẩm từ gia súc, gia cầm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm./.

Vũ Ngọc Tuyên

Trung tâm Khuyến nông Tuyên Quang