Tham dự Hội nghị có đoàn cán bộ công tác của Bộ Nông nghiệp và PTNT do ông Vũ Văn Minh - Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và PTNT) làm trưởng đoàn, lãnh đạo của Văn phòng SPS Việt Nam, Trung tâm Kiểm dịch sau nhập khẩu (Cục Bảo vệ thực vật), đại diện lãnh đạo Chi cục Quản lý Chất lượng và Phòng trồng trọt của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hải Dương. Về phía tỉnh Bắc Giang, có ông Vũ Đình Phượng - PGĐ Sở Nông nghiệp và PTNT; chuyên viên Văn phòng UBND tỉnh; lãnh đạo các Sở Công thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư; lãnh đạo các phòng Trồng trọt, Kế hoạch - Tài chính, Văn phòng Sở và các đơn vị Chi cục Bảo vệ thực vật, Quản lý Chất lượng nông, lâm và thủy sản, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư, Tổ chỉ đạo sản xuất vải thiều xuất khẩu của Sở; lãnh đạo UBND huyện Lục Ngạn, Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trạm Khuyến nông và một số hộ dân sản xuất vải thiều tiêu biểu trên địa bàn huyện Lục Ngạn.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Vũ Đình Phượng - PGĐ Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc cho biết: Năm 2014, tổng diện tích vải thiều của toàn tỉnh là 32.000 ha, sản lượng đạt 190.000 tấn, riêng diện tích vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là 8.500 ha, sản lượng 45.000 tấn. Để đa dạng hóa thị trường quốc tế, từ 06/10/2014, sản phẩm vải thiều của tỉnh Bắc Giang chính thức được Bộ Nông nghiệp và PTNT ký quyết định cho phép nhập khẩu vào thị trường Hoa Kỳ. Hiện, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang đã thành lập Tổ chỉ đạo sản xuất vải xuất khẩu, chỉ đạo tổ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan, đặc biệt là các doanh nghiệp để đưa được sản phẩm vải thiều xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ sớm nhất vào tháng 6/2015.

Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe giới thiệu quy định của thị trường Hoa Kỳ và các quy định, tiêu chuẩn điều kiện nhập khẩu của Hoa Kỳ đối với quả vải. Theo đó, thị trường Hoa Kỳ yêu cầu bảng danh mục 7 tiêu chuẩn để nguồn thực phẩm được nhập khẩu là làm việc với nhà nhập khẩu, đăng ký với Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm (FDA), các tiêu chuẩn (hệ thống an toàn thực phẩm), truy xuất nguồn gốc, vấn đề kiểm dịch, thuốc bảo vệ thực vật và dán nhãn. Đối với quả vải, ngoài những quy định chung về điều kiện trồng trọt, xử lý, dán nhãn, chứng nhận kiểm dịch thực vật... còn phải bảo đảm một số quy định kỹ thuật như xử lý dịch hại, lấy mẫu kiểm tra trước xử lý, kiểm dịch thực vật và giấy chứng nhận... Bên cạnh đó, quả vải khi xuất sang thị trường Mỹ, tại Việt Nam quả vải phải có mã số vùng trồng cấp theo tiêu chuẩn VietGAP, sử dụng công nghệ chiếu xạ và đóng gói tại nhà máy riêng.

Một số ý kiến phát biểu thảo luận quan tâm đến vấn đề: Làm thế nào để bảo đảm kỹ thuật bảo quản quả vải còn tươi ngon khi xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ; thủ tục hành chính có nhanh gọn không; khi sang Hoa Kỳ thì bán cho ai, ở đâu và giá bao nhiêu... Chủ hộ nông dân sản xuất bày tỏ mong muốn cơ quan Nhà nước hướng dẫn cụ thể quy trình kỹ thuật, tiêu chuẩn xuất khẩu và tạo điều kiện làm mô hình thí điểm tại huyện Lục Ngạn, từ đó làm cơ sở tham quan học tập và mở rộng diện tích sản xuất cũng như sản lượng vải xuất khẩu.

Kết luận Hội nghị, ông Vũ Văn Minh - Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế khẳng định thị trường xuất khẩu tiềm năng của quả vải tỉnh Bắc Giang. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho nông sản Bắc Giang nói riêng và Việt Nam nói chung vươn xa hơn nữa trong xu hướng hội nhập quốc tế nhằm nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa nông sản, đặc biệt là đối với một thị trường ổn định và chuyên nghiệp như Hoa Kỳ. Thời gian tới, Vụ Hợp tác quốc tế sẽ tạo điều kiện thuận lợi liên kết mở rộng thị trường quốc tế để các địa phương quảng bá sản phẩm quả vải như thông qua hội chợ, hội thảo, tham quan... Với mong muốn, năm 2015, tỉnh Bắc Giang sẽ được đưa lô hàng xuất khẩu vải đầu tiên sang thị trường Hoa Kỳ, ông Minh đề nghị Văn phòng SPS Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn trên địa bàn tỉnh bảo đảm được các tiêu chuẩn về kỹ thuật, dịch hại... đặc biệt cần sự vào cuộc tích cực của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Thanh Phúc

Trung tâm KNKN Bắc Giang