Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Đây là vấn đề được đặt ra tại Hội nghị đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ điều năm 2015, do Cục Chế biến Nông lâm Thủy sản và Nghề muối phối hợp với Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) tổ chức tại T​hành phố Hồ Chí Minh, ngày 2/7. 

Phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu 


Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 6 tháng đầu năm 2015, cả nước xuất khẩu khoảng 150.000 tấn nhân điều, đạt kim ngạch 1,08 tỷ USD, tăng 14% về khối lượng và tăng 28,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Giá nhân điều xuất khẩu bình quân 5 tháng đầu năm 2015 đạt 7.080 USD/tấn, tăng 11,64% so với cùng kỳ năm 2014. Sản phẩm nhân điều của Việt Nam hiện xuất khẩu trên 50 quốc gia và không phụ thuộc vào bất kỳ thị trường nào. Trong đó, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hà Lan vẫn duy trì là 3 thị trường xuất khẩu điều lớn nhất của Việt Nam, chiếm lần lượt 39,98%, 13,12% và 10,89% tổng giá trị xuất khẩu. 

Mặc dù có mức tăng trưởng cao, song ngành điều cũng đang phải đối mặt với một thách thức khá lớn khi phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu. Theo số liệu thống kê của VINACAS, trong 4 tháng đầu năm 2015, Việt Nam đã nhập khẩu lượng điều thô 197.500 tấn, tăng 175,7% về lượng so với 4 tháng đầu năm 2014. Nguyên nhân chủ yếu là do năng lực sản xuất trong nước chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu của ngành công nghiệp chế biến điều; còn các doanh nghiệp xuất khẩu thì thiếu sự liên kết với các hộ sản xuất do quy mô quá nhỏ lẻ. Do đó, khoảng 70% điều thô bắt buộc phải nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu chế biến ở trong nước. 

Theo các doanh nghiệp, việc sử dụng nguyên liệu điều nhập khẩu cũng ảnh hưởng đến chất lượng điều nhân xuất khẩu. Đại diện Công ty cổ phần Giám định càphê và hàng hóa xuất nhập khẩu cho biết, chất lượng điều nhân xuất khẩu của Việt Nam chưa ổn định, dẫn đến việc có một số khách hàng than phiền về sản phẩm không đồng đều, đặc biệt là các chỉ tiêu như kích cỡ hạt, tỷ lệ vỡ nhiều trong loại hàng nguyên và có độ ẩm cao. 

Về thị trường nhập khẩu điều, theo ghi nhận của VINACAS, tại Bờ Biển Ngà - thị trường nhập khẩu điều thô lớn nhất của Việt Nam, do nhu cầu mua điều thô gia tăng mạnh trong năm nay và sự tham gia của quá nhiều các nhà thương mại và môi giới đã làm cho cạnh tranh mua bán điều năm nay tại châu Phi khá “nóng”. Nhiều doanh nghiệp không mua được hàng do các hợp tác xã, nông dân có tâm lý trữ điều để chờ giá lên, trong khi thực tế chất lượng ngày càng giảm. Giá sàn thu mua điều cho nông dân Bờ Biển Ngà được ấn định ở mức 10.100 đồng/kg, tuy nhiên đến cuối vụ, giá đã bị đẩy lên đến trên 16.500 đồng/kg, với giá này việc chế biến xuất khẩu sẽ không hiệu quả. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp không gom đủ nguyên liệu để chế biến và xuất khẩu theo các hợp đồng đã ký trước đó. Điều này đã ảnh hưởng đến uy tín xuất khẩu điều của Việt Nam. 

Lo ngại vấn đề an toàn thực phẩm 


Theo Cục Chế biến Nông lâm Thủy sản và Nghề muối, tính đến năm 2014, cả nước có 151 doanh nghiệp có quy mô lớn, song chỉ có 30 doanh nghiệp chế biến đạt chuẩn HACCP, ISO 9001, ISO 14000. Hầu hết các cơ sở chế biến chưa công bố hợp quy theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 01-08:2009/BNNPTNT: Cơ sở chế biến điều – Điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Các cơ sở chế biến công suất nhỏ vẫn đang chiếm lượng lớn. Trong đó, có nhiều cơ sở chế biến quy mô nhỏ lẻ hộ gia đình 5-7 lao động, do không đầu tư máy móc, thiết bị đồng bộ, hầu hết làm thủ công. 

Hiện nay, sản phẩm nhân điều của Việt Nam xuất khẩu vào một số thị trường như Mỹ có mức thuế suất bằng 0%. Tuy không chịu ảnh hưởng bởi rào cản thuế quan, song thị trường tiêu thụ nhân điều chủ yếu lại là các nước phát triển. Do đó, các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm bắt buộc doanh nghiệp phải đáp ứng thì mới có thể xâm nhập và đứng vững ở các thị trường này. Theo ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam, trong thời gian gần đây đã xuất hiện tình trạng một số lô hàng bị trả về do nhiễm khuẩn trong quá trình sản xuất hoặc chế biến. Điều này đang đòi hỏi ngành điều cần tập trung xử lý, xem đó như là “sự sống còn” của một ngành hàng. 

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới, thị trường tiêu thụ nhân điều chủ yếu là các nước phát triển với yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng cao, ngành điều đang đứng trước những thách thức lớn. Hiện nay, Tổ chức FDA (Cục Quản lý dược phẩm và thực phẩm Hoa Kỳ) đang qua Việt Nam khảo sát nhiều cơ sở chế biến điều xuất khẩu vào thị trường Hòa Kỳ ở các tỉnh như Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu… Nếu các cơ sở này không đáp ứng được yêu cầu thì sẽ khó thâm nhập sâu hơn vào thị trường này./.

Theo VietnamPlus