Thị trường thế giới: Tuần qua, thị trường cao su kỳ hạn Tocom giảm do Thái Lan có kế hoạch bán cao su từ kho dự trữ, không còn mối lo ngại dư cung sau lũ lụt tại khu vực sản xuất chủ yếu của nước này. Giá cà phê giảm do các quỹ đầu cơ đẩy mạnh bán ra trên thị trường kỳ hạn.

Tại Ấn Độ, cả giá hạt tiêu giao ngay lẫn kỳ hạn trong tuần này tiếp tục xu hướng giảm trước áp lực bán ra mạnh.

Giá đường tăng do nhu cầu tăng mạnh từ Myanmar. Giá lợn hơi tại Iowa/ Minnesota tăng do nhu cầu thu mua của các nhà chế biến, đóng gói tăng.

Thị trường trong nước: Thị trường lúa gạo tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tuần qua đã đồng loạt tăng giá do năng suất giảm và các doanh nghiệp thu gom hàng để kịp giao cho thương nhân Phi-lip-pin.

Trái ngược với xu hướng giảm của thị trường cà phê thế giới, giá cà phê trong nước có xu hướng tăng trong tuần qua do nông dân giữ hàng trong bối cảnh dự trữ thấp sau kỳ nghỉ Tết.

Giá thu mua gà tại Đồng Nai và các tỉnh Đông nam bộ có xu hướng giảm do cung vượt cầu. Lượng trứng gà tồn đọng quá nhiều là nguyên nhân chính khiến cho giá trứng gà sụt giảm mạnh.

Giá hồ tiêu trên thị trường xuống thấp do yếu tố chất lượng của hồ tiêu Việt Nam và ảnh hưởng của yếu tố cung cầu trên thị trường thế giới, nguồn cung đang nhiều, trong khi nhu cầu không tăng tương ứng.

Giá tôm nguyên liệu ở ĐBSCL đã tăng mạnh, do các nhà máy chế biến tôm xuất khẩu sớm hoạt động trở lại sau thời gian nghỉ tết. Dự báo, giá tôm nguyên liệu sẽ ổn định ở mức cao hoặc tăng thêm nữa, do hiện mới là đầu vụ, ít nhất phải 3 tháng nữa mới có tôm thu hoạch rộ.

BBT (gt)